Lắng nghe – Viên kim cương của nghệ thuật giao tiếp
Lắng nghe vốn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày nhưng việc sử dụng kỹ năng nghe một cách hiệu quả lại không phải là chuyện đơn giản .
Trên thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh rằng : Người ta lắng nghe nội dung chỉ được 25% hoặc ít hơn, hầu hết mọi người thích nói hơn là nghe . Nhiều doanh nghiệp thua lỗ hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm chỉ vì truyền thông giao tiếp bị lệch lạc, bắt nguồn từ thất bại không biết lắng nghe và không hiểu được nhu cầu của khách hàng. Sinh viên không hiểu bài hoặc không nắm vững vấn đề của bài giảng; nhân viên không nắm vững chủ trương chính sách của cơ quan…. phần lớn chỉ vì không biết lắng nghe. Chính bởi lắng nghe giữ một vai trò quan trọng và cần thiết đối với mọi hoạt động giao tiếp của con người nên trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn một số phương pháp giúp cải thiện kỹ năng nghe :
1. Kỹ năng đầu tiên là thái độ lắng nghe: bao gồm sự tiếp xúc bằng mắt, nhìn hướng về người đối diện, khẽ gật đầu mỗi khi muốn thể hiện sự đồng ý hoặc tán thành. Những cử chỉ đó phải được thực hiện nhịp nhàng theo lời nói, và phải phù hợp với thông tin đang trình bày.
Khi một người nào đó nói, bạn hãy tự hỏi mình xem bạn có sẵn sàng tiếp nhận vấn đề đó không ? Điều đầu tiên là hãy cố gắng để đầu óc cởi mở đón nhận thông tin mới dựa trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng nhau.
Đừng chú trọng phong cách của người nói bằng cách hãy tự hỏi rằng diễn giả biết được điều gì mà bạn không biết.
Hãy khách quan khi lắng nghe để bạn giảm được ảnh hưởng của cảm xúc khi nghe và kiên nhẫn cho đến khi bạn nghe được toàn bộ thông tin.
Hãy tìm kiếm thông tin không lời. Thường thì giọng nói hoặc cách diễn tả của diễn giả sẽ bộc lộ thông tin nhiều hơn là bằng lời.Hãy xem lại những điểm quan trọng. Nó có ý nghĩa không? Những khái niệm có được minh họa bằng sự kiện không?
2. Sự phản hồi : Bạn có thể hồi đáp lại thông tin vừa tiếp nhận được bằng cách diễn giải đặt câu hỏi với người nói
Có thể đi trước người nói bằng cách đoán trước những gì họ sẽ nói và suy nghĩ về những gì họ đã nói.
Hãy cởi mở bằng cách nêu các câu hỏi làm sáng tỏ sự hiểu biết của bạn; hãy khoan phán đoán phê bình cho đến khi diễn giả kết thúc phần trình bày.
Đừng ngắt lời, bởi vì việc ngắt lời có thể gây lo ra trong khi bạn đang nỗ lực đạt tới trọng điểm của vấn đề.
Hãy phán đoán và phê bình nội dung chứ không phải phê bình người nói.
Hãy đưa ra ý kiến phản hồi. Hãy để họ biết bạn đang theo dõi cuộc nói chuyện với họ. Hãy nhìn thẳng vào họ. Hãy lặp lại và tóm tắt nội dung của người nói sau khi họ nói xong.
Một kỹ thuật khác cũng rất quan trọng, đó là sự im lặng. Đôi khi, chờ đợi vài phút trong im lặng sẽ giúp người nói có thể khai thác hết những cảm xúc thầm kín trong lòng. Làm chủ được sự im lặng, điều đó cũng góp phần tạo nên thành công trong nghệ thuật giao tiếp của bạn.
3. Ghi nội dung một cách ngắn gọn: Để tránh làm phiền lòng người khác hoặc ngắt lời người nói, bạn cần ghi lại những ý kiến quan trọng để không bị quên hoặc nêu ra những câu hỏi quá bất ngờ. Điều này làm cho người nói cảm nhận rằng bạn đang rất quan tâm đến những điều mà họ đang trình bày.
… Và lời khuyên cuối cùng: Hãy lắng nghe bằng cả con tim và khối óc.
Linhlt (HRC)
0 nhận xét