Thực hành để thành công


Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

"ĐÀN GHITA CỦA LOR-CA"- Khúc tưởng mộ của Thanh Thảo dành cho Lor-ca - thiên tài nghệ thuật của Tây Ban Nha



"ĐÀN GHITA CỦA LOR-CA"- Khúc tưởng mộ
của Thanh Thảo dành cho Lor-ca -
thiên tài nghệ thuật của Tây Ban Nha


Thanh Thảo sinh năm 1946, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông vào công tác ở chiến trường miền Nam thời chống Mỹ khốc liệt. Thanh Thảo được công chúng yêu văn học biết đến qua những tác phẩm mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến như Những người đi tới biển (1977), Dấu chân qua trảng cỏ (1958), Khối vuông ru-bích (1985), Từ một đến một trăm (1988). 

Thanh Thảo được coi là một nhà thơ luôn có ý thức tìm tòi cách tân cho thơ Việt đương đại, với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm, vận dụng phần vô thức của nhà thơ để có thể thấu thị được bản chất sâu thẳm của các vấn đề xã hội và thời đại. Từ đó, nhà thơ thăng hoa thành những lời thơ có tính tượng trưng siêu thực, gợi ra những liên tưởng đa chiều, đa nghĩa ở bạn đọc qua một hệ thống thi ảnh và ngôn từ mới mẻ. Bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca" được ông viết ở trại sáng tác Quân khu Năm-Đà Nẵng năm 1979, được công chúng biết đến lần đầu vào năm 1985 khi tập thơ "Khối vuông ru-bích" ra đời. Có thể xem đây là một bài thơ tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo.

Để hiểu bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca", trước hết ta phải hiểu về nhân vật Phi-đe-ri-co Gar-xi-a Lor-ca (1898-1936). Ông là một tài năng sáng chói của văn học Tây Ban Nha hiện đại, được xem là thần đồng có năng khiếu thiên bẩm về thơ ca, hội hoạ, âm nhạc, sân khấu, … Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật năm 1919, Lor-ca lên thủ đô Madrit hoạt động nghệ thuật, trong bối cảnh đất nước Tây Ban Nha bị bao trùm bởi bầu không khí ngột ngạt của chế độ cai trị độc tài Pri-nô-đê Ri-vê-ra. Lor-ca nồng nhiệt cổ vũ nhân dân đấu tranh với mọi thế lực áp chế, đòi quyền sống chính đáng, vừa khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật. Vì thế, năm 1936, chế độ phản động thân phát xít đã thủ tiêu Lor-ca. Từ đó, tên tuổi Lor-ca đã trở thành một biểu tượng, một ngọn cờ tập hợp các nhà văn hoá Tây Ban Nha và thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hoá dân tộc và văn minh nhân loại.

Với nhà thơ Thanh Thảo, ông đã mang trong ba lô ra chiến trường những bài thơ của Lor-ca, qua bản dịch của Hoàng Hưng, chép trong sổ tay như ông tâm sự "Thực ra Lor-ca đã sống trong tôi từ những năm 1969-1970 qua bản dịch chép tay mà chúng tôi truyền cho nhau… Và tôi đã viết "Đàn ghi ta của Lor-ca" trong cái ngày rầu rầu của năm 1979 ấy. Bài thơ được viết rất nhanh và hầu như không sửa chữa gì thêm" (Văn học và tuổi trẻ, số tháng 3/2009). Thanh Thảo nói thêm: "tôi viết bài thơ trong trạng thái không nghĩ ngợi gì, một trạng thái mà vô thức chiếm lĩnh tôi trọn vẹn". Điều này chứng tỏ Lor-ca đã ám ảnh tâm thức của Thanh Thảo trong một thời gian dài, đến ngưỡng cảm hứng, thì tự nhiên bài thơ đã ngân vang như một khúc giao hưởng trầm buồn với phần đệm là những giọt âm thanh luyến láy thiết tha li-la li-la li-la ngân lên từ cây ghi ta cổ điển.

những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn

Mở đầu cho bài thơ của mình, Thanh Thảo giới thiệu với bạn đọc hình ảnh người nghệ sĩ Lor-ca qua những âm thanh, sắc màu, hình ảnh có tính tượng trưng, gợi liên tưởng đa chiều. Ấn tượng về những tiếng đàn bọt nước sao quá mỏng manh, như người nghệ sĩ Lor-ca chỉ với cây ghi ta và vần thơ mang theo khát vọng tự do dân chủ, một mình chiến đấu với bè lũ Phrăng-cô độc tài phát xít. Đây quả là một sự tương phản khắc nghiệt giữa "tiếng đàn bọt nước" với "áo choàng đỏ gắt", gợi ra khung cảnh một đấu trường giữa võ sĩ với bò tót. Nhưng đây không hề là cuộc đấu để khẳng định sức mạnh của cơ bắp, mà là một cuộc chiến đấu giữa khát vọng dân chủ của công dân Lor-ca với nền chính trị độc tài, của khát vọng cách tân nghệ thuật của chàng nghệ sĩ tâm huyết tài năng Lor-ca với nền nghệ thuật cằn cỗi già nua. Dù ở cương vị nào, chúng ta cũng nhận ra đây là cuộc đấu không cân sức, Lor-ca đang rất đơn độc trên hành trình lí tưởng gian nan, soi bóng lẻ loi giữa con đường đời đầy nguy hiểm mà chỉ có cây đàn, tiếng hát hộ thân.

Trong cuộc đấu khốc liệt này, Lor-ca luôn bị ám ảnh về cái chết, nhưng không ngờ nó lại đến với ông quá sớm, đến ở cái tuổi ba tám, tuổi con người đang vào độ phát tiết tinh hoa! "Con chim hoạ mi Tây Ban Nha" không còn lên tiếng hót. Thanh Thảo đã cất lên lời thơ đầy xót tiếc ngậm ngùi:

Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du

Lời thơ vang lên là một chuỗi tự sự, nhưng cấu trúc lại đứt đoạn như để nhằm diễn tả cuộc đời Lor-ca "nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương". Hình ảnh thơ tả thực "áo choàng bê bết đỏ" đã phản ánh hiện thực phũ phàng, tàn khốc đổ xuống đời Lor-ca. Cái chết bi thảm của Lor-ca là một sự kiện chính trị lớn ở Tây Ban Nha. Nó tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, được Thanh Thảo diễn tả theo lối tượng trưng độc đáo:

tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy

Lời thơ mở ra nhiều chiều suy tưởng. Chính tác giả cũng băn khoăn tâm sự: "Tôi không hiểu mình tâm đắc cái gì nhất từ bài thơ này. Có thể là số phận bi thảm của Lor-ca nói riêng, của thơ ca nói chung chăng? Có thể là cái "tiếng đàn bọt nước" lúc hiện lúc tan như sự tự huỷ và tái sinh liên tục của thơ chăng? Hay là khát vọng tự do mà Lor-ca vĩ đại đã truyền cho tôi qua thi ca của ông" (Văn học và tuổi trẻ, số tháng 3/2009). Lời thơ của Thanh Thảo liên tục chuyển đổi cảm giác : từ tiếng ghi ta nâu vang lên âm thanh ám ảnh, như mang theo khát vọng tự do và tình yêu mà Lor-ca gởi trao đến mọi người, đến An-na Ma-ri-a -người yêu chung thuỷ. Lời thơ vang lên giai điệu ghi ta nâu vỡ ra, tan hoà thành sắc màu tượng trưng cho sự sống "tiếng ghi ta lá xanh biết mấy"; rồi đột ngột kết đọng thành những dòng máu thắm chảy ròng ròng của người nghệ sĩ Lor-ca hy sinh vì tự do và nghệ thuật.

Cái chết bi tráng của Lor-ca đã tạo ra một nỗi xót thương vô hạn đối với nhân dân Tây Ban Nha và nhân loại tiến bộ. Thanh Thảo cũng như bất cứ ai yêu mến nghệ thuật đều tiếc nuối khi những cách tân của Lor-ca đang còn dang dở:

không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng

Thanh Thảo đã lấy lời di chúc của Lor-ca "khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn" làm đề từ cho bài thơ của mình. Đây chính là di ngôn đầy tâm huyết của người nghệ sĩ chân chính. Lor-ca không muốn nghệ thuật của mình vì được công chúng yêu mến đưa lên đài danh dự, rồi vô tình sẽ trở thành một vật cản trên con đường sáng tạo không có giới hạn đối với thế hệ sau. Nam Cao cũng từng phát biểu rằng: "Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có" (Đời thừa).

Song ý thơ của Thanh Thảo vẫn gợi ra ở người đọc nỗi băn khoăn khi người nghệ sĩ thiên tài Lor-ca mất đi, như dàn nghệ thuật Tây Ban Nha thiếu nhà nhạc trưởng tài hoa, bản giao hưởng sẽ loạn nhịp, "tiếng đàn như cỏ mọc hoang". Đây thực sự là một mất mát lớn lao của nhân dân Tây Ban Nha, của nền nghệ thuật ở xứ sở Tây Ban cầm. Thanh Thảo chia sẻ niềm đau này bằng một hình ảnh thơ đẹp, được sắp đặt theo lối soi chiếu vào nhau, cho sắc màu lung linh chiếu toả :

giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng

Từ cách sắp đặt hình ảnh thơ này, nó tạo ra những liên tưởng có tính hiệu ứng dây chuyền. Giọt nước mắt tiếc thương của những người mến mộ dành cho Lor-ca như vầng trăng soi vào đáy giếng, lung linh, lan toả từ người này sang người khác, từ đất nước Tây Ban Nha lan ra cả nhân loại tiến bộ, và thêm một chuỗi nước mắt của Thanh Thảo góp vào, tạo ra sự cộng hưởng tình cảm ở đông đảo bạn đọc Việt Nam, khi nghĩ về Lor-ca với "tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm… tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ"

Dù sao thì Lor-ca cũng đã mất. Thanh Thảo cũng như bất cứ ai có lòng tưởng mộ thiên tài đành phải thừa nhận định mệnh phũ phàng, khi đường sinh mệnh của nhà thơ đã dứt. Điều quan trọng hơn, là ông đã kịp hoà vào trong dòng sông tình cảm ái mộ của công chúng, để tiếp tục trôi chảy với thời gian.

đường chỉ tay đã dứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
Trên chiếc ghi ta màu bạc

Hãy để cho Lor-ca được ra đi một cách thanh thản, thoát khỏi mọi hệ luỵ, phiền toái của cuộc đời gian nan.

chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng im bất chợt
li-la li-la li-la…

Lá bùa hộ mệnh rồi cũng đến lúc không cần nữa, trái tim của bất cứ ai rồi cũng đến lúc bất chợt lặng yên, chỉ khác nhau là nó đến sớm hay muộn đối với mỗi cuộc đời. Riêng Lor-ca, dù nhịp tim của nhà thơ không còn đập nữa, nhưng dư ba con sóng thơ cùng với giai điệu tiếng đàn ghi ta li-la li-la li-la tha thiết mang theo khát vọng tự do và cách tân nghệ thuật của ông, tin rằng nó sẽ được cộng hưởng lan toả trong không - thời gian, neo đậu lâu dài trong tình cảm mến mộ của công chúng yêu nghệ thuật và trân trọng tự .

(Theo Nguyễn Tống -GV Trường Quốc Học Huế )

Chia sẻ
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 ThựcHành.vn
Designed by Nguoithay.vn Cooperated with Duy Pham
Phiên bản chạy thử nghiệm
Theo dõi bài viếtTheo dõi nhận xét
Lên đầu trang