Thực hành để thành công


Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Phân tích giá trị độc đáo của tình huống truyện Vợ Nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Kim Lân


Đề 1: Phân tích giá trị độc đáo của tình huống truyện Vợ Nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Kim Lân .


- Bàn về tình huống là gì?
- Bối cảnh để xuất hiện tình huống: nạn đói 1945
- Những biểu hiện cụ thể của tình huống.
 

Bài làm: 

1.Mở bài :
 
Kim Lân viết truyện ngắn không nhiều nhưng được coi là một trong những cây bút tài năng để lại những áng văn đặc sắc của văn học Việt Nam hiện đại, ông rất sành về cảnh quê, người quê và thế giới của hương đồng gió nội . Trên 50 năm lao động nghệ thuật , ông chỉ có hai tập truyện ngắn ít ỏi .
Vợ Nhặt là một chương được viết lại của truyện dài Xóm ngụ cư mà ông đã làm thất lạc 1946. Hòa bình 1954 được lập lại , theo đơn “ đặt hàng” của báo Văn nghệ nhân kỉ niệm Cách mạng tháng Tám , tác giả đã công bố truyện Vợ Nhặt. Như vậy, truyện ngắn này nó có được cái độ chín của một quá trình nghiền ngẫm lâu dài và kĩ lưỡng về mặt nghệ thuật.

2.Thân bài:
 

Khi đề cập đến truyện ngắn , người ta thường quan tâm tới ba yếu tố: tình huống truyện ; nhân vật của truyện, giọng điệu trần thuật của tác giả. Có nhiều truyện ngắn sự sáng tạo tình huống đóng vai trò then chốt, đặt vào trong tình huống ấy, nhân vật truyện thường bộc lộ sâu sắc , tâm lí và tính cách ; tư tưởng nghệ thuật của thiên truyện cũng nhờ thế mà đậm đà ; các chi tiết xoay quanh tình huống ấy trở lên hấp dẫn và giàu ý nghĩa. Phát hiện ra tình huống trong cuộc sống đời thường chằng chịt nhiều mối quan hệ đã là rất khó , thế nhưng, giải quyết tình huống ấy lại cần đến tài năng, bản lĩnh nghệ thuật và quan trọng nhất là tấm lòng người viết. Chỉ có vậy thì tình huống ấy, nhân vật ấy mới trở thành điển hình nghĩa là rất cá biệt , rất lạ đồng thời cũng nói lên được bản chất sâu sắc của cuộc sống.
 

- Bối cảnh rộng lớn nhất để cho một tình huống này xuất hiện chính là nạn đói khủng khiếp 1945 và qua đây ta thấy được số phận bi thảm của con người . Chính 
Kim Lân đã công khai ý đồ sáng tác của mình “ trong sự túng đói quay quắt , trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm để mà vui để mà hi vọng( Báo Văn nghệ- số 19-1993). 
Vợ nhặt đã nói lên cái hình tượng nghệ thuật về một sự thực lịch sử là nạn đói 1945 từ Quảng Trị đến Bắc Kì hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói ( Tuyên ngôn Độc lập, cái nạn đói mà trong Đôi mắt của Nam Cao, nhân vật Độ đã hồi tưởng “ Cái hồi đói khủng khiếp mà có lẽ đến năm 2000 , con cái chúng ta vẫn còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình” 2 triệu người quằn quại chết trên tổng dân số 20 triệu người không phải là con số ít ỏi. Bóng đen chết chóc đã phủ xuống xóm làng Việt Nam. Cái đói “ đã tràn đến” quả là hình bóng của thần chết đang lạnh lùng đi gây niềm kinh hoàng cho người dân nước Việt , tràn đến gợi đến những cơn đại hồng thủy, gợi một sự tàn diệt không thể tránh khỏi của con người. Tác giả đã gây ra một ám ảnh thê lương qua hai loại hình ảnh con người năm đói và hoàn cảnh không gian của nạn đói . Tất cả đều đầy âm khí chết chóc. “ Những gia đình từ những vùng Nam Định , Thái Bình đội chiếu lũ lượt bồng bế dắt nhau lên, xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ . Người chết như ngã rạ , không buổi sáng nào không gặp 3, 4 cái thây nằm chòng queo bên đường” Kim Lân gọi họ là những bóng ma vật vờ trên dương thế . “ Bóng những người đói dật dờ đi lặng lẽ như những bóng ma”. Con người và bóng ma; cái ăn và cái đói, sự sống và cái chết , chỉ là một lằn ranh như sợi tóc . Tất cả đang bước về phía ma.

Miền trần gian ta cứ ngỡ là miền địa ngục. Trong thế giới của những xác người ngổn ngang ta nghe được ban ngày tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết cùng với mùi gây của xác người ; ban đêm tiếng khóc hờ của người sống , với người chết và gây gây bởi đống rấm đốt đồ người chết. Tất cả được chụp bởi vung trời mùa đông xám xịt lặng lẽ - Người chết đã đành, những người sắp chết thật bi thảm có thể thấy điều này qua nhân vật cô gái vô danh sẽ là một người vợ nhặt
 cũng vô danh của nhân vật Tràng . Cái đói đã làm cho thị rách rưới như tổ đỉa và cái mặt của cô ta trở nên gầy guộc khô lạnh như lưỡi cày . Cô sẵn sàng sà xuống quán ăn liền tù tì một lúc 4 bát bánh đúc và sau đó lon ton chạy theo một người đàn ông không quen để làm vợ với mục đích khỏi chết đói. 
Đầy liều lĩnh, buồn vui , lo âu, hi vọng.

a) 
Trước hết ta ngẫm nghĩ về cái tên của tác phẩm: Người ta thường nói vợ đẹp, vợ hiền, vợ như tiên không ai lại để ở một động từ phía sau để định danh, để xác định một phẩm chất. Vợ nhặt có nghĩa là cô vợ ấy được một người đàn ông nhặt về như một thứ đồ rơi, như một vật thể người ta vứt bỏ mà mình còn tận dụng . Vợ nhặt còn có thể hiểu đó là người vợ không ra gì, giá trị của cô ta chỉ ngang bằng với những gì của một đồ vật “ xí được” . Không phải ngẫu nhiên mà Kim Lân để cho cô vợ nhặt ấy đi hết tác phẩm vẫn không có một cái tên, Kim Lân đã cắt nghĩa “ Nhặt tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ. Trong cảnh đói 1945 người dân lao động thường dường như khó ai thoat khỏi cái chết . Bóng tối của nó phủ xuống xóm làng. Tuy hoàn cảnh ấy giá trị của một con người thật vô cùng rẻ rúng . Người ta có thể có vợ theo chỉ nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ - Đúng là nhặt được vợ như tôi đã nói trong truyện”. Như vậy , cái thiêng liêng là “ vợ” đã trở thành cái rẻ rúng ( nhặt) . Cái tên vợ nhặt đã cung cấp cho người đọc theo dõi một tình huống độc đáo.

b) Nhân vật Tràng và người 
vợ nhặt


Khi đến bước đường cùng người ta thường liều lĩnh. Tràng đùa nhưng cô gái sắp chết đói thì làm thật. Cô xin ăn và theo không anh về nhà là hành động liều.
 

Cũng liều nhắm mắt đưa chân.
Mà xem con Tạo xoay vần ra sao
 

Dù sao, thì Tràng cũng là người vui tính xởi lởi. Anh là niềm vui của bọn trẻ con xóm ngụ cư , cứ mỗi lúc cái anh chàng vừa thô, vừa xấu vừa dở hơi về làng là bọn trẻ con cứ đu lấy anh mà trêu chọc cười đùa. Khi nhận cô gái về làm vợ, Tràng thấy “ chợn” nhưng rồi anh cũng chậc lưỡi đánh liều. Hai cái liều gặp nhau để định hướng vấn đề rất nghiêm túc. Đó là chuyện lập gia đình, đó là cơ hội duy nhất để Tràng vứt bỏ cái dở hơi của mình. Đúng như bà cụ Tứ nghĩ “ Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này người ta mới lấy đến con mình mà con mình mới có vợ được”. 
Nhân vật Tràng trên đường đưa vợ về nhà thấy mọi người nhìn ngó đã lấy đó làm niềm tự hào “ Cái mặt cứ vênh lên tự đắc” với mình niềm vui lấn át nỗi lo. Anh không hiểu nổi tại sao vợ lại buồn , mẹ lại khóc , “ Chán quá chẳng đâu vào đâu tự nhiên cũng khóc”. Tràng bỗng nhiên nhặt được vợ , hạnh phúc của Tràng quá lớn và quá đột ngột mãi đến sáng hôm sau Tràng vẫn thấy “ Trong người êm ái lửng lơ như người ở trong giấc mơ đi ra”. Và cùng với niềm vui ấy, Tràng ý thức rõ rệt hơn về trách nhiệm với tổ ấm gia đình . Anh yêu thương, anh muốn gắn bó với mẹ mình, với vợ mình, với cái nhà, cái sân mảnh vườn của mình “Một nguồn vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng bây giờ hắn mới thấy hắn lên người”, hi vọng đã nhen lên. Ở phần cuối tác phẩm Tràng đã nhớ ra “ Cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp “ để phá kho thóc của Nhật” Tràng tự dưng thấy ân hận , tiếc rẻ vẩn vơ khó hiểu, khi nghĩ đến chiếc xe thóc mà mình vẫn đẩy lên làm công cho Liên Đoàn. Biến cố Cách mạng tháng Tám đang đến gần, lá cờ đỏ sao vàng đang phấp phới bay trong óc Tràng sẽ cho hai cái liều của vợ chồng Tràng thoát hiểm, có hi vọng, có tương lai.

Buồn tủi nhất là tâm trạng của người vợ mà tràng nhặt được. Lấy chồng là chuyện thiêng liêng phó thác cả đời mình cho người đàn ông mà mình yêu kính. Thế mà cô vợ của Tràng hoàn toàn đi theo tiếng gọi của cái ăn, không phải đáp ứng nhu cầu của trái tim mà là phải giải quyết quyền lợi của bao tử. Người phụ nữ này không biết Tràng xấu tốt thế nào, chỉ một câu hò bâng quơ và mấy chiếc bánh đúc riêu cua là cô nàng theo không về nhà. Người đọc cảm thấy ghê sợ đến tởm lợm một nhân cách mà là nhân cách phụ nữ: cái ăn đã hạ thấp nhân phẩm; cái ăn khiến cho ta thấy cái nhục kèm theo, cái ăn đã tước đoạt luôn giới tính ngàn đời phụ nữ Việt Nam. Người đàn bà trơ tráo , nhâng nháo không biết đến sĩ diện chút nào!. Sự xấu hổ và ý thức tự trọng đã không còn chút mảy may trong tính cách của người đàn bà nhặt được này. Hoàn toàn có thể hiểu được , khi người ta tự coi mình là cái rơm cái rác mà ai cũng có thể nhặt đầu đường xó chợ. Tuy nhiên trên con đường đi về nhà chồng người 
vợ nhặt đã lầm lũi lấy nón che mặt như sợ người ta phát hiện mình là một kẻ tội phạm. Cái hành động chào đến ba lần người mẹ của Tràng cụ mới nghe được cùng với cái chi tiết lặng im “ mân mê tà áo đã rách bợt” cho thấy ý thức về bổn phận, ý thức mình là dâu, là vợ đã trở về với cô gái mà mới đây thôi “ đanh đá, ngoa ngoắt chỏng lỏn”. Chính cái việc phục hồi lại nhân phẩm cho mình và những hành động dọn dẹp nhà cửa của người vợ nhặt đã nhen lên một niềm hi vọng, gia đình Tràng có thể hạnh phúc nếu cái đói không cướp đi sinh mạng của họ. 

c) Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ khi đón nhận nàng dâu
 

- Quá trình tâm lí ở bà cụ Tứ có phần phức tạp hơn 
nhân vật Tràng. Nếu nhân vật Tràng đang say trong niềm vui của một chàng rể tràn trề hạnh phúc ,tâm lí phát triển theo chiều thẳng đứng thì ở mẹ Tràng tâm lí có kiểu gấp khúc bởi người mẹ này cả cuộc đời đã đổ nhiều nước mắt, đã có nhiều nghiệm sinh. Vì thế, trong chiều sâu của người từng trải và nhân hậu này có bao nhiêu niềm trắc ẩn.

Trước hết là bà cụ rất ngỡ ngàng. Người con trai của bà ngỡ ngàng về một cái đã biết, còn bà cụ thì ngỡ ngàng trước một cái điều dường như không sao hiểu nổi. Đột nhiên có một cô gái xuất hiện trong túp lều của mình, bà cụ Tứ có hàng loạt các câu hỏi thắc mắc.
 

“ Quái sao lại có người đàn bà nào trong ấy nhỉ? Người đàn bà này lại đứng ngay đầu giường của con trai mình thế kia” và thật lạ kì sao lại chào mình bằng u, “ ai thế nhỉ” thậm chí càng nghi vấn bà càng bối rối ngỡ ngàng “ Ô hay thế là thế nào nhỉ?”. Đối với một người mẹ rất nhân hậu, dành tất cả đời mình lo cho con, dĩ nhiên trong trường hợp này sẽ rất nhạy cảm , có thể bà mẹ sẽ ngạc nhiên nhưng rồi sẽ định thần ngay không hiểu ra làm sao nữa. Hoàn toàn 
Kim Lân không có ý thức “ kịch hóa” để tạo cái chi tiết này. Đây chính là một nỗi đau thăm thẳm nó xuất phát từ một cái hiện thực: Chính sự cùng quẫn của hoàn cảnh đã đánh mất ở người mẹ sự nhạy cảm đáng lẽ rất dễ dàng nhận biết đó. Sau sự ngỡ ngàng nhân vật Tràng đi thẳng tới cái hạnh phúc của mình, bà mẹ thì dích dắc hơn, sau khi “ hiểu ra biết bao cơ sự, vừa ai oán, vừa xót thương cho số phận đứa con mình” bà lão “ cúi đầu im lặng”. Đó là nỗi xót xa lo thương lẫn lộn , tình thương của người mẹ nhân hậu ấy mới bao dung làm sao, một câu hỏi nữa được đặt ra chứa đựng nỗi lo âu “ Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau , sống qua được cơn đói khát này không”. Vậy là người mẹ không chỉ chấp nhận cái hành động anh con trai mà đã mở tấm lòng người mẹ, đã chấp nhận người con dâu. Cụ Tứ sử dụng từ “ chúng nó” hết sức bình dị trong ngôn ngữ người bình dân nhưng Kim Lân đã cho ta thấy sau giây phút im lặng cúi đầu ấy đã nói ra cái điều không phải là không trăn trở. Bởi cái cúi đầu ấy bà mẹ đã tiếp nhận hạnh phúc của con bằng cái kinh nghiệm sống, bằng cái sự trả giá cho chuỗi đời nặng nhọc và bằng ý thức sâu sắc trước hoàn cảnh của nạn đói. Từ tình thương bà cụ Tứ đã chuyển sang nỗi lo để tạo thành một trạng thái tâm lí triền miên day dứt. Bà không nghĩ đến mình, không nghĩ đến cái việc có nàng dâu được lợi gì, mà chủ yếu dòng ý nghĩ này của người mẹ là quan tâm tới bổn phận làm mẹ chưa tròn của mình. Bà lão nghĩ đến ông lão, đến con gái út, đến nỗi khổ đời mình và nghĩ đến tương lai của con, tâm trạng rất phức tạp vừa đầy lo âu buồn tủi lại vừa sung sướng tự động viên mình, coi con dâu như một ân nhân của mình đã làm cho bổn phận người mẹ được hoàn thành “ người ta gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình mà con mình mới có được vợ”. Thôi bổn phận bà làm mẹ, bà đã chẳng lo lắng gì được cho con, nghĩ vậy nên cuối cùng dồn tụ trong bao nhiêu lo lắng yêu thương ở câu nói giản dị “ chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”. Như vậy , trên những bề bộn ngổn ngang buồn lo, niềm vui của mẹ vẫn ánh lên, và tỏa hơi ấm kì diệu từ …nồi cháo cám. Nỗi hân hoan của mẹ được thốt lên như tiếng reo hạnh phúc của đứa trẻ, “ chè đây – bà lão múc ra một bát – chè khoán đây ngon đáo để”. Rõ ràng, bà lão rất tin cái nồi cháo cám này là ngon. Chúng ta cần cảm nhận tiếng “ ngon” này trong ý nghĩa về tinh thần hơn là về vật chất . Bà mẹ rất tin vào hạnh phúc của con nên cái đắng chát của nồi cháo cám đã trở thành cáu ngọt ngào của hạnh phúc, của tinh thần. Chọn hình ảnh nồi cháo cám, Kim Lân muốn chứng minh cho cái chất người: Trong bất kì hoàn cảnh nào tình nghĩa và hi vọng không thể bị tiêu diệt, con người vẫn muốn sống cho ra sống, và cái chất người thể hiện cách sống tình nghĩa và hi vọng. Tuy nhiên Kim Lân không phải là nhà văn lãng mạn. Niềm vui của bà cụ Tứ vẫn là một niềm vui tội nghiệp bởi hiện tại vẫn là nghiệt ngã: Nồi cháo cám vẫn “ đắng chát” và “nghẹn bử”. Như vậy trong tình huống của câu chuyện nhặt vợ đã có ba nhân vật liên đới. Cả ba đều bị hung thần Đói đe dọa, khi cả ba sống rời rạc như những hình nhân dật dờ không có cơ hội để nhen lên những đốm sáng của chất người, tình người. Thế nhưng khi cả ba chụm lại , thì nó đã nên hòn núi cao của tình người. Giữa cái đói , nhặt vợ về để mưu cầu hạnh phúc,cả ba con người hồi sinh để làm người , chính là tình huống đặc biệt để làm sáng ngời tinh thần nhân đạo. cái vẻ đẹp tinh thần của những người nghèo khổ, cái thế vượt hoàn cảnh ấy chính là nội dung nhân đạo độc đáo rất cảm động.Nó đem đến cho người đọc nhiều suy nghĩ. 

3. Kết luận
 

Rất nhiều các nhà văn lớn đã viết về bài ca của con người, nhưng bài ca lớn nhất , âm vang nhất vẫn là sức mạnh tinh thần có thể giúp con người phá vỡ hoàn cảnh bế tắc để thoát hiểm, để hi vọng và để xứng đáng với danh dự làm người. 
Kim Lân đã góp thêm cho bài ca ấy, bài ca con người, một điệu nhạc buồn nhưng trong những dòng nước mắt lặng lẽ, trong cái u ám tối trời, tối đất của nan đói vẫn ánh lên những đốm lửa của hi vọng, của tương lai. Không hiểu sao gấp trang sách lại , toi thấy cái logic của dòng nước mắt, của hành động thắp đèn trong đêm tân hôn, của lá cờ đỏ phấp phới trong óc Tràng và tôi tin, gia đình người nông dân xóm ngụ cư này sẽ vượt qua cái thời tao loạn của nạn đói khủng khiếp này. Họ sẽ hạnh phúc bởi vì chỉ cần một bước nữa thôi Cách mạng tháng Tám 1945 sẽ thành công…

(Sưu tầm)
Bài viết liên quan
+++++++++++

Chia sẻ
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 ThựcHành.vn
Designed by Nguoithay.vn Cooperated with Duy Pham
Phiên bản chạy thử nghiệm
Theo dõi bài viếtTheo dõi nhận xét
Lên đầu trang