Cũng phải thôi, từ một tay đang làm nghiên cứu khoa học cao siêu, nay chuyển sang quản trị mạng máy tính “một mình một cõi IT, anh diệt virus anh ghi phần mềm”, có khác gì thợ điện ngoài phố.
Nhưng làm thuê kiếm cơm cũng may mắn. Năm 1997, lần đầu tiên tại Hà Nội, WB có internet nối thẳng sang Mỹ qua là kênh thuê riêng 64K. Bùi Việt Hà mời nói chuyện về internet với cả trăm nhà kinh doanh ở Hà Nội.
Demo nối mạng làm khách dự lác cả mắt vì thông tin truy nhập cả vào trang Nhà Trắng. Các bạn sướng quá đòi xem chi tiết. Mình lập cập gõ nhầm thành whitehouse bậy bạ chi đó, toàn các cô cởi truồng nhảy múa. Vội di chuột xóa thì ở dưới kêu ầm ầm, để đó, để đó, coi thử xem. Các bác sau này thành đại gia, được một bữa no mắt vì ảnh sex lần đầu trên mạng ảo.
Tôi hay đi “điếu đóm” cho các hội nghị tư vấn (CG – Consultative Group Meeting) giữa kỳ và thường niên của Ngân hàng Thế giới, công việc chẳng có gì, lắp máy tính nối vào máy chiếu, kiểm tra hệ thống dịch, loa đài là xong việc. Thấy sự cố thì chui gầm bàn cùng đám kỹ thuật viên. Thỉnh thoảng ngắm giầy của các đại sứ.
Tháng 6-1998, phối hợp với Bộ KHĐT, đoàn WB chuẩn bị cho cuộc họp giữa kỳ của các nhà tài trợ quốc tế với sự tham dự lần đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải trong khách sạn Morin tại Huế. Đối tác của WB là Bộ trưởng Trần Xuân Giá, một ngôi sao rất nổi.
Hội nghị tổ chức trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang bị cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đe dọa trầm trọng, đói nghèo cùng cực của 3.6 triệu người ở 1700 xã, muốn ra nhập WTO, nên rất cần sự ủng hộ của quốc tế. Tổ chức CG ở miền Trung vì muốn những người tham dự được mắt thấy tai nghe với thực tế còn rất nghèo và cần sự trợ giúp.
May mắn vì lần đầu tôi được đến Huế vì chỉ biết cố đô qua ti vi, sách vở, đọc những bài thơ hay nghe lời hát dịu dàng về sông Hương, núi Ngự. Đến đó mới biết Huế trong sách vở cũng không khác với Huế thật trong đời. Những ngôi biệt thự nhỏ ẩn sau vườn cây đầy hoa trái, thành phố phủ mầu xanh bất tận, trời trong không một gợn mây.
“Điếu đóm bưng bê” có cái hay riêng. Hệ thống chạy tốt rồi, mình ngồi nghe Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các đại sứ phát biểu, biết nhiều thứ ra trò.
Nhờ có Bộ trưởng Giá, vốn là người Huế gốc, đạo diễn mà các nhà tài trợ, là các quan chức đại diện cho chính phủ, đại sứ các nước, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế và các doanh nhân tầm cỡ quốc tế, thăm những dự án, cơ sở có tiềm năng đầu tư của tỉnh và kể cả nhà thuyền nghèo trên sông Hương.
Khi đi thăm Huế, thấy thành phố êm đềm với nhà vườn, sông Hương thơ mộng. Nhưng đi sâu một chút, thấy những cảnh nghèo, lạc hậu còn ẩn đằng sau. Hồi đó, tỉnh có khoảng 4000 hộ đang sống trên sông, cả đại gia đình sinh hoạt trên thuyền, nước uông lấy từ sông, mọi thứ thải cũng ra sông, một chu trình khép kín.
Để đưa họ lên bờ có nhà cửa đàng hoàng, trẻ em được đến trường, không đơn giản chút nào. Giải quyết cần số tiền khổng lồ và chính sách đồng bộ. Đưa lên bờ, phân đất làm nhà, nhưng họ bán đất lấy tiền, mua chiếc thuyền khác và quay lại cuộc sống lênh đênh để rồi không biết ngày mai trôi dạt về đâu.
Thủ tướng VN tham gia được các nhà tài trợ đón nhận như một tín hiệu tốt lành trong chính sách cởi mở của Việt Nam. TTg đến nghe trực tiếp các ý kiến. Đây là công lao của BT Trần Xuân Giá đã biết cách lobby nhiều phía.
Trong cuộc họp, các vị trong đoàn phục Thủ tướng Khải nghe và ghi chép rất chi tiết, sau đó trả lời rành mạch, đâu vào đó, không cần phao.
Phía tài trợ kêu ca VN chậm trong giải ngân, Thủ tướng trả lời, do VN còn nhiều hạn chế về mặt cán bộ, chưa đủ trình độ để quản lý dự án quốc tế lớn. Và ông đề nghị WB giúp xây dựng đội ngũ thì mới mong tiền tài trợ được sử dụng tốt. Quả bóng được đá lại nhẹ nhàng.
Sau này, anh Andrew Steer có nói lại, anh theo dõi rất kỹ Thủ tướng ghi chép hay nhờ thư ký, hoặc tư vấn bác Giá. Thật không ngờ, Thủ tướng tự trả lời mà không cần hỏi ai.
Nhiều câu hỏi hóc búa về thay đổi thể chế, phát triển kinh tế tư nhân, kế hoạch sắp tới như thế nào, Bộ trưởng Giá, với giọng sang sảng xứ Huế, trả lời rất khúc triết. Người dự cao cấp gật gù đồng ý hay vỗ tay. Ngồi dưới nghe thấy rất tự hào về lãnh đạo của nước mình thời đó.
Những năm 1997-2002, anh Andrew Steer trong cương vị Giám đốc Quốc gia WB cùng với nhóm kinh tế Kazi Martin và Nisha Agrawal đến từ Nam Á, đội ngũ nhân viên Việt nam tài giỏi và năng động, đã tạo được một hình ảnh WB là người bạn đồng hành đáng tin cậy của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế xã hội hơn thập kỷ qua.
Các cơ quan hữu quan của Việt Nam đánh giá cao vai trò của WB trong việc mang lại khả năng tiếp cận những kiến thức và kinh nghiệp về phát triển và coi đó là phần đóng góp quan trong nhất của WB tại Việt nam.
Cặp bài trùng Andrew Steer và Trần Xuân Giá giúp Việt nam khá nhiều trong các chính sách cải tổ nền kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đặt nền móng đổi mới kinh tế xã-hội cho nhiều năm sau. Hai ông cũng là những người quyết định tổ chức Hội nghị CG tại Việt Nam từ năm 1999 thay cho thông lệ tổ chức tại nước ngoài.
Họ đưa ra khái niệm nhóm chính sách phát triển trụ cột cho Việt Nam liên quan tới 6 vấn đề nan giải và mang tầm quốc gia trong hàng chục năm sau (1) Quản lý kinh tế vĩ mô; (2) Cạnh tranh, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và cải cách cơ cấu; (3) Phát triển nông nghiệp và nông thôn; (4) Xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; (5) Quản trị, minh bạch và tham dự của người dân; (6) Phân cấp và thực hiện các nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Thời nay, nhiều người hối tiếc những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 không phải là không có lý.
Tuy làm IT, nhưng anh Andrew Steer vẫn đề nghị tôi đi theo đoàn Chính phủ để tiếp khách, vì anh bảo, “tay Cua IT này có vẻ chín chắn” mà thật ra lão rất hề.
Lần đó, mình được cử đi mang cái ô che nắng cho Bộ trưởng Giá. Nói chuyện dọc đường, tôi không ngờ ông là người rất thân tình và cởi mở, kể lại thời chống Mỹ đã đánh nhau ở đây như thế nào, rừng ở vùng này rậm rạp và đôi khi thấy hổ Thừa Thiên ra ngồi bên đường đợi người đi qua.
Kể với giọng pha lẫn tự hào về một vùng đất đã sinh ra ông, về những ngày gian khó nhưng đều đã vượt qua, rồi thời giá lương tiền, bao nhiêu cay đắng đã từng.
Một số kỳ họp CG sau này, Bộ trưởng Giá luôn tạo dựng được niềm tin trong mắt các vị khách VIP tới dự. Họp báo mà có ông, cảm giác không căng thẳng, mọi câu hỏi được trả lời thấu đáo, có lý, có tình. Tôi rất thích bài của anh Mạnh Quân đăng trên FB.
Không hiểu sao, trong đời tôi tin vài lãnh đạo theo cảm tính, trong đó có Bộ trưởng Giá. Trong entry, vẫn gọi ông là Bộ trưởng vì đã để lại nhiều dấu ấn, nhất là xóa đói giảm nghèo.
Hôm trước, HM blog có đăng tin về bác Giá gặp chuyện chẳng lành. Rồi sau đó có tin cải chính. Không ngờ đó là entry rất hot, chắc có nhiều người quan tâm. Nổi tiếng thì về hưu cũng phải mang theo hào quang của quá khứ.
Sau đó, bác Trần Xuân Giá, đã nói với Tiền Phong “Tôi buồn vì tin đồn xảy ra ngay sau khi tôi từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB. Vì tin đồn mà suốt từ sáng đến giờ, mình nhận tới hơn 100 cú điện thoại từ bạn bè, người thân. Thực ra, người đưa thông tin lên báo cũng đã gọi điện và nhắn tin xin lỗi mình và mình có nói là có thể do lỗi nghiệp vụ nên không oán trách gì”.
Rồi ông tâm sự “”Mình buồn nhất là khi việc thanh khoản toàn hệ thống quá khó khăn, nếu không có những ngân hàng dư dả tiền như ACB, nhiều ngân hàng chắc đã sụp đổ lâu lắm rồi.”
Nhiều người comment, đã lên đến Bộ trưởng, ăn đủ rồi, sao còn dính chuyện tiền nong làm gì. Cuộc đời không đơn giản thế. Khi đã về vườn, vợ chồng con cái vẫn cần thu nhập ổn định, nếu đương thời không thu vén đủ.
Với thu nhập hơn 500 triệu một năm cho chức Chủ tịch HĐQT không là bao so với ACB, một ngân hàng đứng thứ 2 tại Việt Nam, tôi tin bác Giá làm việc này không chỉ vì đồng lương. Có thể món nợ xóa nghèo cho quê hương Thừa Thiên Huế năm nào chưa trả được. Hoặc là tôi chẳng hiểu gì về nhân tình thế thái.
Thời nay, một người trồng cây ăn quả ở quê có thể thu hàng tỷ đồng, với một người như bác Giá, có thể hưởng lương cao gấp nhiều lần.
Việc tham gia của vị cựu Bộ trưởng vào thương trường, nhất là ngành ngân hàng mà ông có rất nhiều kinh nghiệm, đó là cách giúp đất nước không bị pha phí chất xám.
Nếu không may ông bị vướng vào hai làn đạn, và thực sự là người trong sạch, thì cần hiểu một cách đúng hơn và nhân bản hơn.
Viết entry này, tôi không hy vọng BT Trần Xuân Giá đọc, vì chắc chẳng biết mình là ai. Nhưng nếu nhớ thời 1998, ai đó từng che ô cho bác trong mùa hè nóng bỏng ở Huế khi đi thăm dự án trên thuyền sông Hương và hội nghị CG, thì bác sẽ thấy, có nhiều người bình thường ngưỡng mộ cựu Bộ trưởng Bộ KHĐT nổi tiếng một thời.
Nếu bị oan hay đạn lạc trong chuyện ACB giữa cuộc bể dâu, trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết, thì nhân cách của vị cựu Bộ trưởng sẽ được người đời tiếp tục che ô, cho dù chỉ là trên thế giới ảo.
Rất mong Bộ trưởng Trần Xuân Giá và gia đình bình an.
Hiệu Minh. 24-09-2012
0 nhận xét