Viết về mẹ, cái cảm xúc trong tôi cứ trải dài và lộn xộn. Thế nên, tôi ví mình là đứa em của tôi, để có thể khỏa lấp đi những xúc cảm dễ vỡ òa trong tâm khảm.
Trên đời này, người phụ nữ làm nó khâm phục nhất chắc chắn là mẹ. Mẹ của Nguyên chẳng phải là nhà khoa học hay doanh nhân thành đạt, mẹ cũng không phải là người học rộng, hiểu nhiều. Mẹ - chỉ đơn giản là một người mua ve chai.
Nó sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo miền Trung, nơi chỉ có gió Lào, cát trắng, cái nơi đất cũng chẳng thương lấy người, giàu có nhất chỉ là vết tích của chiến tranh. Và ba mẹ nó cũng làm cái công việc phổ biến của người dân quê lúc đó: ba đi rà tìm phế liệu, còn mẹ thì mua ve chai đồng nát.
Ngày xưa, mẹ là hoa hậu của làng, không biết bao nhiêu người theo đuổi, toàn công tử đẹp trai, con nhà khá giả, thế mà duyên số thế nào, mẹ lại phải lòng ba -“chú bộ đội” già, hơn mẹ đến gần 10 tuổi. Nên duyên vợ chồng và bằng lòng san sẻ những thiếu thốn về vật chất, lại tảo tần sớm khuya làm trọn phận dâu con để không bị trách cứ nửa lời.
Mỗi ngày, mẹ lục đục dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị cơm nước đùm nắm cho ba rồi soạn sửa đồ đạc, bao bị, cân kéo chuẩn bị để đi mua. Ba đi từ sáng sớm đến tối mới về. Nguyên nhớ từ lúc năm tuổi, mẹ dặn nó ở nhà giữ đứa em trai hai tuổi. Thực ra đã có bà nội, nhưng mẹ phải giao trách nhiệm như thế để nó hãnh diện và thấy mình thật lớn. Mẹ đã tập cho nó tính tự lập và biết lo toan từ lúc nhỏ.
Ngày đó, mẹ rong ruổi trên chiếc xe đạp “phượng hoàng” cọc cạch mua từ hồi ba mẹ mới cưới, lặn lội đạp mọi ngóc ngách của làng quê, miệng lanh lảnh rao mua đồng nát.
Những năm Nguyên bắt đầu vào cấp 1, mẹ lại sinh em bé. Nhà nó nghèo nhưng cả ba và mẹ đều muốn đông anh em, thế là cuối cùng, cho đến bây giờ Nguyên có tận 5 đứa em. Nguyên đã từng “mặt nặng mày nhẹ” vì chuyện mẹ sinh em bé, cũng vì lo mẹ khổ, lo những nhọc nhằn sẽ chẳng khi nào ngừng nghỉ khi nhà cứ đông con.
Nhưng giờ nó tin điều mẹ nói “Con cái là món quà vô giá, có các con, mẹ có sức mạnh để vượt qua tất cả”.
Những ngày tháng rong ruổi trên chiếc xe đạp cọc cạch của mẹ cứ kéo dài lê thê.
Những ngày hè, cơn gió Lào quất vào mặt mẹ ran rát, chiếc xe chở đồ nặng, mẹ phải oằn mình, chống chọi và thi gan, thử sức cùng cơn gió. Mùa mưa, vẫn là cơn mưa thối đất thối trời miền Trung, dài ngày nặng hạt, mẹ đội gió, đội mưa, chất cả đống đồ sau xe như chở cả bao hi vọng, bao đủ đầy cho bầy con thơ đang đợi.
Nguyên cứ nằm mơ, mơ một ngày nào đó, mẹ sẽ không phải nhọc nhằn vì cái nghề đó nữa.
Nguyên học giữa cấp 2 thì giấc mơ của nó trở thành hiện thực. Mẹ không phải rong ruổi, dãi nắng dầm mưa khắp nơi để mua đồ nữa, mẹ tích cóp, tạo vốn và mở hẳn một đại lý nhỏ thu mua ở nhà. Mẹ thường đùa, cũng là công việc ấy, chỉ có điều nâng cấp lên thôi.
Mẹ vẫn vậy, luôn hài hước, lạc quan, luôn tạo không khí vui vẻ cho cả nhà. Chỉ học chưa tới lớp bảy mà mẹ buôn bán rất giỏi, cùng với sự chắt bóp kỹ lưỡng, mẹ cùng ba tạo dựng cơ ngơi và lo cho chị em nó đầy đủ.
Mỗi khi mấy đứa em ốm, mẹ lại thức khuya đến sâu mắt, chốc chốc chườm khăn, sờ trán, cứ như thế suốt đêm. Nguyên là đứa mẫn cảm hay bị dị ứng thời tiết, dị ứng những thức ăn lạ. Cứ mỗi lần nhứ thế, mẹ lại cất công đi kiếm lá cây, cỏ, gạo, ném, đậu xanh…đủ thứ để nhai và xoa khắp người nó, rồi ngồi bên cạnh cho đến khuya, khi những vết mẩn đỏ đã hết sưng phù.
Mẹ chăm cho 6 chị em nó chu đáo, tỉ mẫn và bảo ban từng thứ một. Ba mắc bệnh viêm xoang, căn bệnh kéo dài dai dẳng. Mẹ lặn lội tìm thuốc, kiên nhẫn áp dụng từng vị thuốc, món ăn để đẩy lùi căn bệnh khó chữa của ba. Khi ba đã khỏe lại, mẹ lại bắt đầu những ngày tháng chăm sóc bà nội. Những ngày nội ốm, mẹ đón bà về nuôi, dẫu bà có con gái và cả bảy người con dâu, nhưng nội chẳng ở được với ai…
Nguyên nhớ cái cảnh mỗi lần mẹ cõng nội vào nhà vệ sinh, nhớ cảnh mẹ thay quần áo, tắm rửa cho nội mà ứa nước mắt. Mẹ đi chợ, vào bếp nấu những món mà nội thích ăn, bón từng thìa cháo, từng muỗng sữa cho nội.
Nguyên luôn tự hỏi mình, sau này, làm dâu người ta, có làm được như mẹ hay không, hỏi rồi cũng tự trả lời, chắc chắn là được, bởi vì nó là con gái của mẹ.
Mẹ đảm đang chu toàn việc hai bên, từ những việc lớn đến việc nhỏ, chẳng bao giờ nề hà, trốn tránh hay kêu ca. Bởi vậy, trước khi nhắm mắt, nội đã nói với ba Nguyên rằng, ba nó có phước khi lấy được mẹ. Và hơn ai hết, nó hiểu bản thân ba cũng trân trọng và biết điều đó. Ánh mắt ba mẹ nhìn nhau luôn là ánh mắt của sự cảm thông và bao dung. Dẫu không ít lần ba nóng nảy, la mắng mẹ nhưng mẹ chỉ im lặng và mọi chuyện sẽ đi vào lãng quên. Nó không nghe mẹ nhắc lại, cũng chẳng hề nghe mẹ than trách. Mẹ bảo con người không ai hoàn hảo, ba tốt về mọi mặt chỉ có mỗi cái nóng tính mà thôi, thế là quá tốt rồi. Cái góc nhìn đó của mẹ, là góc nhìn nó đang cố học hỏi, rằng hãy chú ý vào mặt tốt đẹp, nhưng phải ghi nhớ và biết những điều chưa hoàn thiện để bỏ qua cho nhau.
Giờ đây, khi cái tuổi 50 đã gần kề, song, phảng phất trên gương mặt sạm đen, dãi dầu mưa nắng của mẹ vẫn là nét đẹp đôn hậu, hiền hòa. Nó ước có thể níu giữ thời gian từng giây từng phút thôi cũng được, để mẹ cứ mãi mãi như thế, đừng già đi, đừng gầy yếu đi và luôn bên cạnh chị em nó. Trong mắt Nguyên, mẹ là một y tá dịu dàng, nhiều kinh nghiệm, là một đầu bếp tài hoa và khéo léo. Mẹ cũng là một nhà tâm lý học, nhà kinh doanh giỏi. Nhưng thiêng liêng và đẹp đẽ hơn tất thảy mọi thứ trên đời, mẹ là mẹ của chị em nó, là tất cả cội nguồn yêu thương.
Diệu Ái- dantri.com.vn
0 nhận xét