Thực hành để thành công


Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Bàn về Hoài nghi và Lý trí

I. Tín : Điều căn bảnÐức tin vào lý trí



Như đã viết trong Lời nói đầu, cuốn sách này với những trình bày có giới hạn về các chủ đề triết học chỉ nhằm tìm cách khêu gợi tính hiếu kỳ của người đọc về một số chủ đề tạm gọi là cơ bản và có tính định hướng, thay vì cung cấp các câu trả lời đầy đủ và bảo đảm. Trước khi khép lại chương cuối, soạn giả xin được bày tỏ tín điều căn bản của mình, đó là đức tin vào lý trí con người.

Ðức tin rằng khi con người ứng xử với các vấn đề của mình bằng thái độ thành thật và công chính, và bằng thao tác của lý trí sao cho phù hợp với thực tế, nó sẽ càng ngày càng tìm thấy những giải đáp thỏa đáng cho các vấn đề của mình.
 

Vẫn còn giáo điều



Thật đáng buồn khi chứng kiến vào thiên niên kỷ thứ ba, ở thời đại mà suốt mấy trăm năm qua, khoa học đã và đang cho thấy những lợi thế có được từ việc loại trừ các lý thuyết từng có thời được nó xem là quí báu, dưới ánh sáng của các sự việc mới mẻ, thế mà vẫn có nhiều người trong các lãnh vực đạo đức, tôn giáo và chính trị chưa dứt bỏ được giáo điều chủ nghĩa và chưa khai quang những ách tắc đang nằm ngỗn ngang trên xa lộ tư tưởng vốn nhiều chiều. 

II. 
Hoài nghi 

Tinh thần hoài nghi

Tinh thần của khoa học là hoài nghi, và thế giới đang cần một tinh thần hoài nghi mới để đương đầu với những kẻ không những ôm ấp các ý tưởng cực đoan và giáo điều mà còn sử dụng chúng nhằm ngăn chận sự hiệp thông của con người và đà tiến của loài người.

Bằng từ ngữ “hoài nghi” chúng tôi không có ý nói tới chủ trương yếm thế mang tính *khuyển nho (cynicism) hoặc chủ nghĩa *đả phá thần tượng (iconoclasm).

Chúng tôi cũng không có ý nói tới người gọi là cấp tiến, những kẻ đang nhếch mép cười khinh dễ và cảm thấy thỏa mãn cơn thôi thúc bệnh hoạn bằng cách gieo rắc lòng ngờ vực vào những tâm hồn nhạy cảm và trí óc dễ bị ảnh hưởng.
 Chúng tôi lại càng không có ý nói tới *chủ nghĩa hoài nghi (scepticism) vốn đánh giá cuộc truy tầm chân lý là một trò chơi điên rồ. Người ta có thể đạt tới một chủ nghĩa hoài nghi như thế mà không cần phải gắng sức, đồng thời có thể bảo vệ nó mà chẳng cần chút kỹ năng nào vì luận cứ mạnh mẽ nhất của nó là tiếng cười khẩy nhạo báng và nền tảng chủ yếu của nó là ngu dốt. 

Hoài nghi và vô minh


Bằng từ ngữ “hoài nghi”, chúng tôi có ý nói tới sự nhận biết rằng chúng ta có thể sai và rằng cái chúng ta đang gọi là chân lý rốt cuộc có lẽ chẳng hơn gì các chân lý không thể sai lầm của một thời quá khứ mà vì chúng nhiều người săn đuổi nhau và bị săn đuổi, muốn giết người và bị người giết. Dọc theo quá trình tiến bộ của tư tưởng loài người, các chân lý đó đã bị vứt bỏ không chút xót thương.

Thái độ hoài nghi chân chính là kẻ thù của vô minh. Nó là sự đòi hỏi càng ngày càng phải có thêm những thông tin đáng tin cậy. Người hoài nghi khao khát các sự kiện; y sẽ vứt bỏ bất cứ lý thuyết nào hoặc hệ tư tưởng nào không thể phù hợp với các sự kiện. Không có các cứu cánh tối hậu trong cuộc sinh tồn hữu hạn, cũng không có niềm hy vọng vào một kết thúc tối hậu cho cuộc chúng ta truy lùng chân lý.


Chân lý với những tươi mới và rộn ràng của nó luôn luôn nằm trong cuộc tìm kiếm chứ không nằm trong sự sở hữu. Cách thức duy nhất để kiểm tra cuộc truy tầm phải là tính chất thỏa đáng và hợp lý trong hệ thống của chúng ta nhằm diễn đạt lương thiện hết sức có thể được những gì chúng ta đã, đang và sẽ khám phá.

Hoài nghi và giáo điều


Hoài nghi là kẻ thù của giáo điều. Giáo điều chủ nghĩa là một lý thuyết tự cho, hoặc ngấm ngầm hoặc trắng trợn, rằng không thể sai lầm. Có những chủ nghĩa giáo điều khác nhau và những thẩm quyền thế giá khác nhau của giáo điều chủ nghĩa, nhưng tựu trung tinh thần của chúng vẫn chỉ là một. Chúng không dám mạnh dạn phô ra những nguyên lý cơ bản của chúng trước bất cứ cuộc thẩm tra rốt ráo nào, và chúng co mình lại trước những đánh giá thẳng thắn và chân thành các kết luận của chúng. Tận dụng thực tế tâm lý của người bình thường chỉ muốn yên chí và ổn định, chủ nghĩa giáo điều khai thác lợi thế ấy để áp đặt lên họ sự nhẹ dạ dễ tin. Trong khi sở đắc lòng trung thành của người khác, chủ nghĩa giáo điều tìm cách ngăn trở tâm trí họ. Do đó, xã hội gần như dậm chân tại chỗ trước sự tiến bộ văn hóa, và lụi tàn dần niềm hứng khởi có được từ những suy tưởng riêng tư cùng quyết định riêng tư về các chủ đề căn bản của cuộc sống. Hoài nghi và mê tín

Hoài nghi là kẻ thù của mê tín. Mê tín là sự kết hợp rất bất hạnh của giáo điều chủ nghĩa và vô minh. Nó được củng cố bằng lập luận rằng loài người không thể hành động mà không có đức tin. Và luận cứ đó được sử dụng với hàm ý rằng nếu chúng ta dừng lại để khảo sát niềm tin của mình thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể hành động.

Lập luận ấy chỉ đúng ở điểm quả thật trong con người luôn luôn có chỗ cho đức tin và chúng ta không thể hành động mà không có một số giả định dùng làm nền tảng cho các hành động của mình. Tinh thần hoài nghi thấy không cần phải bàn cãi về điểm đó. Cái mà nó muốn phản bác là sự quả quyết, nhân danh hành động, rằng nhất thiết phải chấp nhận những tiền đề mà không cần phải khảo sát.


Những cơ sở của hành động của chúng ta luôn luôn phải là đối tượng của thẩm tra, vì bản tính của hành động sẽ phản ánh bản tính của cơ sở chúng. Người ta ít cổ vũ các hành động đặt cơ cở trên những giả định giả tạo, vì các hành động ấy cũng sẽ mê lầm không kém những tiền đề của chúng.
 

Hoài nghi và khoa học


Hoài nghi là tinh thần của phương pháp khoa học. Khoa học tuyên xưng niềm xác tín vào khả năng sai lầm của nó, và xem đó như một nguyên tắc căn bản. Ðền thờ các ngôn sứ của khoa học dành cho những ai không xem là chân lý tối hậu cái không được thẩm tra và những ai thẩm tra mà không có định kiến về cái sẽ là kết quả.

Nhà khoa học chân chính quan tâm tới việc kiểm tra các giả định của mình, tìm kiếm những thí dụ phủ định để tự bác bỏ lý thuyết của mình, và hoan nghênh các ý kiến phê phán của các nhà khoa học đồng nghiệp. Trong khoa học không có sự chắc chắn tuyệt đối, không có những nguyên tắc tất yếu phải duy trì, chống lại các sự kiện hoặc chống lại thực tế. Nhà khoa học quan tâm tới sự tăng tiến của tri thức hơn là tới việc tuyên bố các chân lý không thể sai lầm.
 

Hoài nghi và triết học


Hoài nghi là thái độ đặc trưng của triết học trong điều kiện tốt nhất. Triết học là mạo hiểm, là cuộc truy tầm chân lý dưới sự hướng dẫn của lý trí. Ngay cả những kẻ phủ định giá trị của lý trí như một công cụ của tri thức cũng phải đặt căn bản các kết luận của họ trên những lập luận hợp lý. Vì vũ trụ quá đổi bao la mà tâm hồn con người lại rất hữu hạn cho nên triết học chỉ còn biết kỳ vọng vào tính khả thi trong các kết luận của nó, và tính khả thi ấy chỉ có thể là sản phẩm của tư duy.

Triết học tiến hành bằng thao tác có tính phê phán theo với những suy tưởng của nó trong đức tin rằng chân lý, cái có thể sở đắc, sẽ là phần thưởng cho nỗ lực hợp tác, và rằng con người sẽ ngày càng cao quí và danh giá hơn nhờ tự do và thẩm tra có tính phê phán. Ðối với những ai có thể phản bác rằng con người không thể nào đạt tới các cùng đích ấy, triết gia hẳn chỉ có một câu trả lời rằng chẳng còn cách nào khác.

Nếu đây là con đường thất bại thế thì loài người bị bắt phải thất bại. Lịch sử của loài người đã và đang khẳng định ý kiến rằng cho dẫu có thất bại cũng vẫn tốt hơn những cái gọi là thành công của chủ nghĩa giáo điều và mê tín, vì nó đã được triển khai với một tâm trạng bao dung độ lượng và một sự hiểu biết sâu xa đầy êm ái.

III. 
Tinh thần triết học

Tra vấn tra vấn và tra vấn


Dù phải tiếp tục phê bình các giả định của khoa học, các triết gia hiện đại tự xếp mình chung một hàng ngũ với khoa học gia, không chỉ vì chất liệu họ sử dụng mà còn vì tinh thần cần phải tra vấn liên tục. Hẳn vô ích nếu làm một cuộc dạo chơi trong lịch sử để tìm cho ra giữa khoa học gia và triết gia ai đã dạy cho ai tinh thần tra vấn chân chính.

Có nhiều chứng cớ cho thấy tinh thần tra vấn chân chính là di sản của một quá trình lịch sử triết học lâu dài. Vì ngày nay, nhà khoa học gần gũi với lòng ái mộ của quần chúng và công trình của họ đem lại kết quả trước mắt nên hầu hết các nhà triết học sẵn lòng từ bỏ cuộc tranh luận xem ai là kẻ khởi xướng, và xếp mình chung hàng ngũ với những ai cho thấy giá trị dồi dào của khoa học.
 

Không bảo thủ và thành kiến


Trong các cuộc thẩm tra, triết gia phải giữ thái độ không thành kiến hết sức có thể được. Y hẳn không bắt đầu với những kết luận phải được duy trì bằng mọi giá, ngay cả việc chống lại chứng cớ; y sẵn sàng sửa đổi lý thuyết của mình khi thực tế đòi hỏi. Chúng ta phải chỉ có vỏn vẹn một sở thích, đó là tình yêu chân lý.

Triết gia bảo lưu quyền thách đố ý nghĩa của các sự kiện hoặc các hàm ý của chúng trong những lãnh vực khác nhưng tự thân các sự kiện thì ở quá bên kia tầm phán đoán của y. Chúng ta phải nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng triết học không phải là một giáo điều (dogma) hoặc một chuỗi các giáo điều cần phải duy trì để chống lại những kẻ bất trung, mà là nỗ lực chân thành nhằm thông giải mọi thông tin có sẵn thành một hình ảnh nhất quán và toàn diện của vũ trụ.
Tìm câu trả lời chính xác


Tìm cho ra câu trả lời là điều quan trọng và quan trọng nhất là có câu trả lời chính xác. Cái đó, không còn cần phải bàn. Vì thế, nếu muốn đối mặt một cách trí tuệ với cuộc đời, chúng ta phải thắc mắc xem các câu trả lời của mình có thật sự chính xác không. Một khi tự đặt cho mình câu hỏi ấy, ta thấy không dễ có câu trả lời bảo đảm.

Ngang đây, chúng ta có thể thấy việc đọc sách, giống như du lịch, mở rộng các sở thích và quan tâm của mình, đồng thời gợi ra những nghi ngờ về tính chất không bao giờ sai lầm của các ý kiến của chính mình. Ðối với những kẻ ôm chặt niềm tin của họ, cách duy nhất là họ từ chối xem xét ý kiến của những người khác.

Trong cuốn Apperance and Reality (Vẻ ngoài và thực tại, 1893), F.H. Bradley, một trong những triết gia được kính trọng nhất của nước Anh, đã viết rằng: “Thế hệ hiện nay biết rằng để sở hữu giáo dục, con người phải học nhiều hơn một ngôi trường”. Cuốn sách này sẽ đạt được mục đích của nó nếu nó có thể giúp cho bạn đi tới kết luận rằng có đối với các vấn đề căn bản của cuộc đời, ta có nhiều hơn một câu trả lời để con người tùy nghi suy tưởng và chọn lựa.
 

Nhất quán và toàn diện


Khi bắt đầu nghiên cứu các hệ thống khác nhau, rất có khả năng chúng ta sẽ bị ấn tượng bởi cung cách trang trọng của các tác giả khi trình bày quan điểm của họ cùng sự chắc nịch trong các lập lụận được họ đưa ra để hậu thuẫn cho quan điểm của mình. Họ làm cho người đọc tin vào chân lý của các kết luận của họ, không kém chúng ta làm đối với của chúng ta.

Các hệ thống có những kết luận mâu thuẫn nhau thì hoàn toàn không có khả năng đúng. Chúng ta phải tự mình quyết định cho mình. Nếu trang trọng theo đuổi chân lý, chúng ta phải thắc mắc rằng trong những cái đó, cái nào đúng. Chúng ta phải đi tới kết luận rằng nếu có hệ thống nào khác đúng thì cái của mình là sai, và chúng ta buộc lòng phải duyệt xét lập trường của mình.


Viễn cảnh ấy thường khiến cho người ta cảnh giác sâu xa cho tới khi hoàn tất việc duyệt xét. Lúc đó, họ sẽ cảm thấy đầy tràn niềm mãn nguyện trí thức với lập trường mới mẻ của mình. Tại phương Tây có một câu cách ngôn độc đáo, mà ngày nay cũng có thể áp dụng cho cả phương Ðông, rằng: “Kẻ cải giáo là người ngoan đạo nhất”.
 

Có duyệt xét mới tiến bộ


Với tác động của tinh thần hoài nghi, việc duyệt xét các niềm tin không hề là việc không tốt. Dù nền văn minh hiện đại có nhiều điều đáng phàn nàn nhưng ta phải thừa nhận rằng nó biểu hiện một nền văn hóa cao hơn thời con người nguyên thủy. Trình độ phát triển này không xuất hiện do bởi ngẫu nhiên. Các cơ sở của khoa học, tôn giáo và đạo đức thủ cựu phải bị phân hủy bởi dung dịch cường toan của tinh thần hoài nghi để mở đường cho các khái niệm thỏa đáng hơn.
Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng các bộ luật thời hiện đại nhân đạo hơn luật *Mô-sê với “mắt đền mắt, răng đền răng” hoặc các bộ luật của các triều đại phong kiến trước đây, trong đó có luật nước Anh đòi lên án tử hình các thiếu nhi phạm pháp. Ðể có những biến đổi như thế, con người phải tranh đấu và thông thường phải mua chúng bằng giá máu của mình. Hầu hết chúng ta cũng đồng ý rằng Kitô giáo cống hiến một khái niệm về Thượng đế làm mãn nguyện lòng người hơn so với các tôn giáo tiền-Kitô tuy nhiều người phải đem cái chết của mình ra để thách đố các hệ thống thủ cựu hơn.

IV. 
Lý trí

Vấn đề chứng cớ

Ðể có khả năng thể hiện tinh thần hoài nghi và tiếp tục sống với nó không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng phát xuất từ sự nghi ngờ, con người đã đạt được những câu trả lời vừa lòng hơn. Ðối với triết gia, không niềm tin nào thiêng liêng trừ niềm tin vào chân lý. Và để trả lời các câu hỏi do chính chúng ta đặt ra, không đáp án nào tất yếu phải đúng vì có ai đó đã đưa ra như thế. Tất cả là vấn đề chứng cớ.

Như Giáo sư Georg Misch của Ðại học Harvard viết trong cuốn The Dawn of Philosophy (Bình minh của triết học, 1951) rằng: “Ở nơi [triết học] thao tác, không câu trả lời nào được lập sẵn, và không lời quả quyết có tính truyền thống nào có thể làm yên ắng những chất vấn của con người một khi y đã thức giấc cùng với những đòi hỏi phải có bảo đảm của y – quả thật, nếu để ý tới tính giáo điều chủ nghĩa của những câu trả lời hoặc những lời tuyên bố, y sẽ thấy rằng không câu trả lời nào do người ta cung cấp có thể biện minh cho chúng bằng ý nghĩa cố hữu của chúng và có thể tự đứng vững trước lý trí. Như thế, triết học nâng tinh thần con người lên phạm trù tự do, trong đó chỉ có định luật về tư duy hợp lý mới có khả năng chấm dứt được hành động chất vấn, và sẵn lòng để cho mình bị ràng buộc bởi những gì được xem là bằng cớ”.

Thẩm quyền tối hậu


Triết gia phải giả định rằng bậc thẩm quyền tối hậu và duy nhất cho ý kiến đã được chấp nhận là lý trí của y. Bạn không thể làm một triết gia mà không sử dụng lý trí. Triết học không đặt ra cho con người bổn phận phải đi tới các kết luận chắc chắn; nó chỉ đòi hỏi hữu thể có lý trí ấy phải chứng tỏ lý tính của nó bằng việc suy ngẫm các ý kiến của nó và chỉ chấp nhận kết luận nào có thể đưa đẩy nó vào một cuộc tra vấn chân thành và hợp lý.

Trong thái độ đó, triết gia có thể sai. Có thể xảy ra việc chân lý tối hậu về vạn vật được sở đắc bằng trực giác hoặc bằng thái độ qui thuận một thẩm quyền không sai lầm nào đó, hoặc một đức tin không thắc mắc về những lời công bố theo cảm quan chung, nhưng hễ có người nào muốn chứng minh chân lý ấy thì cũng cần phải đáp ứng và tiến hành công tác đó bằng những luận cứ hợp lý. Do đó, triết gia cảm thấy mình hữu lý trong việc sử dụng công cụ của lý trí, suy ngẫm về các sự kiện, và xem chúng là nguồn thẩm quyền tối hậu trong một thế giới còn rất lâu mới toàn hảo.
 

Tra vấn hết thảy


Triết gia phải cảm thấy không có bất cứ cái gì ở bên ngoài phạm vi tra vấn của mình, hoặc không có cái nào bất khả xâm phạm vì lý do tôn giáo hoặc vì lý do nào khác, được dùng để chống lại những phê phán của mình một khi phê phán ấy dường như có cơ sở. Nếu chúng ta muốn đối xử trang trọng với những suy ngẫm có lý tính, chúng ta phải quyết tâm tiến hành chúng một cách rốt ráo, từ đầu tới cuối.
Không thể nào tìm ra nguyên tắc để kết hợp hết thảy các sự kiện kinh nghiệm nếu con người, một sinh vật có lý trí, không được công nhận là một hữu thể tri giác có quyền thắc mắc về vị trí của các sự kiện trong một hệ thống tối hậu. Vì lý do đó, có nhiều triết gia từng bị đánh giá là kẻ thù của đức tin và của một hệ tư tưởng nào đó được xem là chính thống, như một hình thức khác của một loại tôn giáo phi thần.


Chắc chắn rằng các loại đức tin ấy không thể đáp ứng những yêu cầu của lý trí và rằng không thể duy trì những tín điều bị áp đặt một cách độc đoán về cuộc sáng thế tối hậu của vũ trụ. Những ai xem trang trọng đức tin của mình nên quyết tâm xem xét nó để bảo đảm rằng đức tin ấy không có tính nhẹ dạ cả tin hoặc mê tín.
 

Ðức tin và lý trí


Có những thí dụ về đức tin trong quá khứ từng bị lý trí vạch trần. Và ngày nay con người cảm thấy nó chỉ được chứ không mất, nghĩa là phong phú hơn nhờ sự vạch trần ấy. Một đức tin chân chính sẽ hưởng lợi nhờ tra vấn. Và rất có khả năng rằng trạng thái tri thức hữu hạn hiện nay của chúng ta hẳn vẫn còn chỗ rất rộng cho đức tin. Nếu như thế, cách tốt nhất là đức tin nên đến với chúng ta trong liên quan tới lý trí.

Triết gia không đòi hỏi kẻ khác điều mà bản thân y không sẵn sàng chấp nhận. Nếu y đòi quyền được phê phán ý kiến của người khác, y phải chấp nhận quyền của người khác phê phán y. Chỉ từ hoạt động hợp tác như thế mới có thể đẩy mạnh chính nghĩa của chân lý. Cũng giống như mọi người, triết gia có khả năng sai lầm và y phải nghênh đón những lời phê bình sửa chữa các cái nhìn hữu hạn của mình.
 

Tác hại của không thể sai lầm


Hẳn Aristotle sẽ phàn nàn nếu ông biết trước hay chứng kiến lòng tôn kính thẩm quyền của ông đã hạn chế sự tăng tiến trí thức thời Trung Cổ. Và nếu có thể kể tới những trung thành trong thế kỷ 20 vừa qua, chúng ta cảm thấy chắc chắn rằng Marx và Engels hẳn phẫn uất về sự tận hiến của các môn đồ thời hiện đại khi họ từng qui cho các tác phẩm của hai ông là không có khả năng sai lầm.

Triết học là một môn học cấp tiến. Khi khoa học tăng tiến thì thông giải của khoa học cũng phải tăng tiến. Trước khi nói xong lời tuyên bố tối hậu, trong triết học chỉ có một chỗ rất nhỏ cho những lời tuyên bố chắc chắn.
 

Trong bàn tay của bạn


Cuốn sách này được biên soạn cho người mới đặt chân vào con đường học triết chứ không phải cho triết gia. Vì thế, nó chỉ nêu ra một số chủ đề căn bản và tìm các đáp án về chúng bằng một cung cách kích thích tính hiếu kỳ, để từ đó gợi tới nhưng câu hỏi hơn là những câu trả lời thấu đáo.
Khi trình bày các giải đáp, chúng tôi cố gắng đề cập tới các lập trường thế này thế nọ, có tính chọn lựa, để cho thấy những khó khăn liên quan tới việc đi đến một quyết định. Rất có thể những câu trả lời thế này hoặc thế nọ không thể hòa hợp nhau hoặc tất cả đều sai, tùy vào quyết định của bạn, người đeo đuổi cho tới dòng chữ này.

Lời cuối


Như thế, cuốn sách này không có dự tính đưa ra một hệ thống học thuyết để bạn ghi nhớ hay chấp nhận, nhưng như một hướng dẫn cho người muốn mạo hiểm dấn thân vào sự nghiệp triết học và kích hoạt tư tưởng. Nó sẽ thất bại nếu người đọc không sẵn sàng đi theo các câu hỏi tới nơi nó dẫn tới và sẵn sàng phê phán các giái đáp nó đã trình bày như những gợi ý để tìm cách trả lời các chủ đề ấy. Người đọc có lẽ nên gạn lọc và chấp nhận câu trả lời nào có vẻ tương hợp với các bằng cớ và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của lý trí.

Cuối cùng, xin được nhắc lại một phân tích ở chương trước. Một hệ thống triết học là một sản phẩm riêng tư và chỉ có giá trị khi nó thể hiện được nỗ lực chân thành và thẳng thắn của người tạo ra nó. Là con người, bạn có khả năng tư duy; nó là cái hướng dẫn an toàn và duy nhất tới chân lý; đừng ngần ngại dùng nó, và trong khi được bạn sử dụng, lý trí của bạn sẽ tự cải thiện nó, trở thành một công cụ ngày càng nhạy bén hơn. Ðó là thông điệp của cuốn sách này. Và đó cũng là tinh thần triết học dành cho bạn, người vừa rướn thêm một bước qua ngưỡng cửa của triết học.

ST
Chia sẻ
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 ThựcHành.vn
Designed by Nguoithay.vn Cooperated with Duy Pham
Phiên bản chạy thử nghiệm
Theo dõi bài viếtTheo dõi nhận xét
Lên đầu trang