Mấy ngày qua, nhân dân cả nước chăm chú lắng nghe các vị lãnh đạo của Đảng trả lời cử tri, đặc biệt là những lời tâm huyết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Tình hình còn nhiều phức tạp , mức độ tham nhũng đang gia tăng hết sức nghiêm trọng…. Có những người đấu tranh chống tham nhũng bị trù dập, nhiều khi gia đình tan tác. Chúng tôi có lỗi lớn là không bảo vệ nổi những con người đó”. Ông kêu gọi mọi người dũng cảm phát hiện tham nhũng: “Tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm. Nhưng vì sợ trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào? Người ta có thể trù úm
một người, một nhóm người, nhưng không thể trù úm cả dân tộc”! Ông nói: “Khi tự thấy mình nhu nhược, tôi sẽ làm đơn xin ngh”ỉ; “rút lui để những người dũng cảm làm việc”.Nhớ lại, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến cuối nhiệm kỳ đã ân hận kể: Khi tiễn ông đi nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước, người thầy ngày xưa đã gửi gắm kỳ vọng cho anh học trò giỏi toán ngày nào sẽ giải được bài toán tham nhũng đang hoành hành đất nước. Ông thẳng thắn nhận khuyết điểm: “Chống tham nhũng là nguyện vọng tha thiết và chính đáng của nhân dân. Nhưng cho đến hôm nay tôi thấy nhiệm vụ đó tôi chưa làm xong!”. Vậy phải có những quyết sách gì để Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng như tất cả các nhà lãnh đạo khác đến cuối nhiệm kỳ không phải ân hận như nguyên Chủ tịch Nguyễn Minh Triết?
“Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người, nhưng không thể trù úm cả dân tộc”. Vâng, vấn đề chính là phải tìm ra biện pháp để không ai, không thế lực nào có thể trù úm được một người dân thường đứng ra tố cáo những kẻ tham nhũng đang nắm quyền lưc lớn! Biết tìm đâu ra biện pháp đó? Xin cơ quan tư pháp thử phân tích một số vụ trù úm người tố cáo tham nhũng chắc chắn sẽ rút ra được hằng loạt điều bổ ích. Thực tế có vô vàn ví dụ, xin đơn cử một vụ ở Ninh Bình. Ông Đinh Đức Phiếu, sĩ quan, hội viên cựu chiến binh viết đơn tố cáo ông Đinh Văn Hùng bí thư tỉnh ủy tham nhũng, chỉ năm ngày sau, cơ quan điều tra kết luận đây là vụ án vu khống, rồi chỉ hơn một tháng sau, tòa án nhân dân Ninh Bình xét xử, không có luật sư bào chữa, không có đại diện Hội cựu chiến binh dự, kết án 5 năm tù giam. Bài học rút ra rất đơn giản: Bí thư tỉnh ủy đứng trên các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ở vụ Tiên Lãng, gia đình ông Vươn liên tục khiếu nại, tố cáo, kiện ra tòa nhiều năm; báo Đối ngoại trung ương phanh phui từ năm 2008, nhưng nó chỉ được lắng nghe khi tiếng mìn tự tạo bùng nổ. Đến lúc đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật, hệ thống chính trị và tất cả báo, đài của Hải Phòng vẫn tiếp tục khẳng định rằng chủ trương cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền Tiên Lãng được cấp trên bật đèn xanh là hoàn toàn đúng đắn! Bài học từ Tiên Lãng cũng rất đơn giản: Bọn tham nhũng đã điều khiển được hệ thống tư pháp, tòa án và tất cả báo chí.
Thật ra, những bài học rút ra ở trên không phải là mới, từ lâu nhân loại đã nhận ra rằng, khi quyền lực không được kiểm soát thì sẽ xảy ra lạm quyền và tham nhũng. Hơn 2500 năm trước, nhà hiền triết Platon đã nói: “Tôi nhìn thấy sự sụp đổ nhanh chóng của nhà nước ở nơi nào pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền của một ai đó. Còn nơi nào pháp luật đứng trên trên các nhà cầm quyền và các nhà cầm quyền chỉ là nô lệ của luật pháp thì ở đó tôi thấy có sự cứu thoát của nhà nước”. Lý thuyết về dân chủ và nhà nước sau này tiếp tục khai phá theo hướng đó. Ngày nay, các quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới là những quốc gia dân chủ, nhà nước phân quyền, kiểm soát được quyền lực, xây dựng nền tư pháp độc lập và nền báo chí tự do.
Theo Viet-Studies
0 nhận xét