Lời thưa
Có thân hữu hỏi tôi tại sao chọn đề tài về vua Khải Định? Dường như câu hỏi hàm ý thắc mắc rằng vua Khải Định đâu phải là một khuôn mặt đáng chú ý trong lịch sử, và triều đại của ông có gì đặc biệt đâu để quan tâm?
Vâng, quả đúng như thế. Vấn đề tôi quan tâm là ở chỗ khác.
Thứ nhất, trong mấy năm trở lại đây, trên mạng lưới toàn cầu cũng như trên báo chí, nhiều hình ảnh của Việt Nam thời Pháp thuộc được phổ biến rộng rãi chưa từng có. Đó là một kho tài liệu rất quí giúp chúng ta có thể hiểu một thời quá khứ của đất nước qua nhiều lãnh vực khác nhau, vì một hình ảnh nói nhiều hơn cả trăm trang giấy. Tiếc thay, những hình ảnh đó đã không được chú thích đầy đủ, thậm chí, chú thích sai lầm.
Thứ hai, thời Khải Định là giao thời giữa cũ và mới, trong triều đình cũng như ngoài xã hội. Cái cũ chưa bị xóa đi hay sửa đổi và cái mới chỉ vừa bắt đầu, khác với thời Bảo Đại về sau. Tháng 10 năm 1932, vua Bảo Đại về nuớc cầm quyền. Qua năm 1933, vua đi thăm Bắc kỳ và nam Trung kỳ. Một nhà báo Pháp đã ghi lại những cuộc viếng thăm này trong một phóng sự, về sau xuất bản thành sách, và hai viên quan của triều đình Huế đã dịch ra tiếng Việt. Trong sách đó, khi đăng lại những hình ảnh dưới thời Khải Định – nghĩa là những hình ảnh của hơn mười năm về trước – tác giả đã gọi đó là “những hình ảnh ngày xưa”. Hồi bấy giờ mà đã gọi rằng xưa thì nay đối với chúng ta là đồ cổ. Cái tôi quan tâm là chút đồ cổ đó.
Trong khả năng hạn chế, tôi thu thập những hình ảnh đã được ghi nhận vào thời ấy, kết hợp với những tài liệu khả tín, để trình bày lại một cách trung thực những sinh họat có tính cách nghi lễ của triều Khải Định, từ đó chúng ta có thể thấy và hiểu được những gì vốn chỉ được nghe và hiểu một cách tam sao thất bản.
Thật là buồn cười khi thấy trên một tài liệu quảng cáo du lịch Huế cái cảnh du khách mặc áo đội mũ phường tuồng ngồi ăn cơm giữa cảnh hầu hạ của mấy cô gái mặc áo dài đội khăn vành với chú thích rằng đó là “Ăn cơm vua” (Royal meal)! Chuyện quảng cáo thương mãi thì nói làm gì, nhưng e người ta sẽ yên trí rằng đó là sự thật của quá khứ thì tủi hổ cho lịch sử và văn hóa Việt Nam quá. Cũng vậy, nếu trong một kịch bản điện ảnh hay sân khấu nào đó, mà có tác giả bắt mấy ông vua Nhà Nguyễn mặc y trang của vua Tàu và dùng ngôn ngữ của phim bộ Trung Quốc, Đài Loan, hay Hàn Quốc, thì thật là tội nghiệp cho Nhà Nguyễn.
Bởi thế, tập sách nhỏ này chỉ là sự thu nhặt hình ảnh của một thời, rải rác đây đó, và trình bày lại một cách có hệ thống với chú giải đáng tin cậy để cung cấp cho độc giả một cái nhìn trung thực hơn về những cảnh đã diễn ra trong một thời quá khứ.
Đến đây, xin cho phép tôi nói lên lời cảm ơn các ông Nguyễn Tấn Lộc và Ngô Công Đức ở Pháp, là những người có lòng nghĩ đến lợi ích văn hóa và lịch sử dân tộc, nên đã bỏ công phổ biến một số những hình ảnh tài liệu lên mạng lưới toàn cầu, giúp chúng tôi có thêm chất liệu căn bản để hoàn thành cuốn sách này.
Sau cùng, xin cảm ơn quí độc giả đã bỏ chút thì giờ để đọc sách này, và xin biết ơn những chỉ dẫn sai sót mà chúng tôi không thấy.
Trân trọng,
Võ Hương-An
1/ Đường đến ngai vàng của vua Khải Định
Sau khi kinh đô Huế bị thất thủ (23 tháng năm Ất Dậu, 7/5/1885) ) vua Hàm Nghi chạy ra vùng rừng núi Quảng Bình-Hà Tĩnh, cầm đầu cuộc kháng chiến Cần Vương. Không chiêu dụ được vua trở về, người Pháp đưa người con nuôi thứ hai của vua Tự Đức là Hoàng tử Chánh Mông lên làm vua (19/9/1885), lấy hiệu là Đồng Khánh. Ở ngôi được hơn ba năm ( 19/9/1885- 25/1/1889) thì vua băng hà lúc mới 25 tuổi, và con còn bé, Hoàng tử Bửu Đảo mới hơn 3 tuổi.
Dưới ảnh hưởng của người Pháp, triều đình Huế lập người con của vua Dục Đức -- Hoàng từ Bửu Lân -- lên làm vua, lấy hiệu là Thành Thái ( 1/2/1889- 3/9/1907).
Vua Thành Thái có tư tưởng chống Pháp, vì vậy năm 1907, lấy cớ nhà vua bị bệnh tâm thần, người Pháp gây áp lực buộc vua thoái vị và lập người con trai thứ 7 của ông là Hoàng tử Vĩnh San lên làm vua, lấy hiệu Duy Tân (5/9/1907- 3/5/1916).
Năm 1916, mới 16 tuổi, vua Duy Tân đã cùng với hai nhà cách mạng Trần Cao Vân và Thái Phiên mưu tổ chức một cuộc binh biến tại các tỉnh miền Trung để lật đổ sự thống trị của người Pháp. Cuộc binh biến thất bại vì bị nội phản, nhà vua bị bắt và bị đày cùng với phụ hoàng sang Phi châu. Triều đình Huế và người Pháp lập Phụng Hóa Công Bửu Đảo, con của vua Đồng Khánh, lên làm vua, lấy hiệu là Khải Định.
Kỵ binh vào đầu thời Khải Định qua nét vẽ màu nước của Gras.
Về sau, vua cho kỵ binh mặc sắc phục mới, áo đỏ, quần trắng, theo kiểu Tây phương.
Vua Đồng Khánh (1885-1889) Vua Thành Thái (1889-1917)
2/ Lễ đăng quang vua Khải Định
Vua Khải Định húy Nguyễn Phúc Bửu Đảo, là con trai trưởng của vua Đồng Khánh, sinh ngày 8/10/1885 (ngày 1 tháng 9 năm ất dậu). Khi vua Đồng Khánh mất năm 1889, Hòang tử Bửu Đảo mới hơn ba tuổi, và đấy cũng là lý do khiến ông không được nối ngôi trong hòan cảnh phức tạp lúc bấy giờ. Phải chờ 27 năm sau ngai vàng mới lại trở về tay ông.
Đêm 3/5/1916 vua Duy Tân bí mật rời khỏi hòang cung để tham gia cuộc binh biến lật đổ người Pháp, do hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên tổ chức. Ba ngày sau, vua bị quân Pháp bắt và tạm giam tại khu Mang Cá để chờ quyết định của triều đình và chính quốc. Ngai vàng bỏ trống.
Ngày 10/5/1916 Hội đồng Nhiếp chính và Hội đồng Tôn Nhơn đã họp và quyết định truất phế vua Duy Tân, đồng thời chọn Phụng Hóa Công Bửu Đảo làm người kế vị. Đề nghị này được gởi đến Toàn quyền Đông Dương là Roume, bấy giờ đang có mặt ở Huế để theo dõi tình hình. Sau khi điện báo cáo về Paris và nhận được chỉ thị từ chính quốc, Roume chấp thuận các đề nghị trên và thông báo cho triều đình hay.
Ngày 16/5/1916, triều đình làm lễ nhập cung cho vua mới. Hai giờ chiều hôm đó, một phái đoàn gồm có các ông: Đoàn Đinh, Thượng thư Bộ Hộ (đại diện quan văn); Hường Thỏa, Trung quân Đô thống (đại diện quan võ) ; Ưng Huy, Hữu Tôn Khanh của Tôn Nhơn Phủ (đại diện Hoàng tộc), cùng một số các quan và quân lính tùy tùng đi đến phủ Phụng Hóa ở làng An Cựu để rước Phụng Hóa Công vào cung. Ông Hoàng được đưa lên xe song mã, có năm kỵ binh cầm cờ dẫn đầu, và quan quân hộ tống, tiến về kinh thành. Trên đường đi, Phụng Hóa Công ghé vào Tòa Khâm sứ để chào cảm ơn Khâm sứ Charles, vì ông này đã thân hành đến phủ Phụng Hóa chúc mừng ngay từ sáng sớm.
Đám rước Phụng Hóa Công vào Đại Nội bằng cửa Hiển Nhơn , và dừng lại trước Đại Cung Môn (xem bản đồ đính kèm). Các vị Thượng thư mặc áo rộng xanh (áo thụng xanh), đầu đội khăn đóng đen, đang đứng chờ sẵn bên cửa cung rộng mở để đón chào. Ông Hoàng mặc áo rộng màu lục, đội khăn đóng đen, bước xuống xe, tiến qua Đại Cung môn, theo sau có các thượng thư.
Bên trong Đại Cung môn, trước sân điện Cần Chánh, các quan văn, võ thuộc hàng ấn quan mặc áo rộng xanh, đội khăn đóng đen, đã dàn sẵn hai bên để vái chào. Phụng Hóa Công đi vào điện Cần Chánh rồi qua điện Quang Minh là nơi ông sẽ tạm trú trong khi chờ đợi tiến hành những lễ nghi chính thức theo điển lễ triều đình. Thị vệ dâng trà, các Thượng thư vái chào rồi lui ra, nhường chỗ cho các quan khác vào tâu trình công việc. Địa vị của Phụng Hóa Công lúc này là một chuẩn-hòang-đế chứ chưa phải là một hoàng đế nên cách xưng hô cũng phải theo một phép tắc khác. Chẳng hạn các quan khi thưa bẩm không dùng chữ Tâu hay Tấu , mà dùng chữ Khải , vì Tâu hay Tấu chỉ dành cho vua mà thôi. Ông sẽ là một vị vua mới thay thế vua cũ mà không có quan hệ thừa kế nên người ta gọi ông là tân quân , để phân biệt với trừ quân là trường hợp con lên kế nghiệp vua cha.
Hôm sau, 17/5/1916, mới tảng sáng, Bộ Lễ đã lo đặt một cái bàn sơn vàng (hoàng án) ngay căn giữa của điện Cần Chánh. Trên đó, họ trân trọng bày bốn món quốc bảo:
- một cái trắp nhỏ sơn son thếp vàng đựng ngọc tỷ (ấn bằng ngọc); trên ngọc tỷ có khắc chín chữ Đại Nam Thụ Thiên Vĩnh Mạng Truyền Quốc Tỉ 大南受天永命
傳國璽
- một bộ hoàng bào.
- một cái hốt bằng ngọc trên có khắc hai chữ Vương Mạng 王命
- Một cuốn sách bằng vàng có tên là Thánh Chế Mạng Danh Kim Sách (gọi tắt là Kim sách) 聖製命名 金冊.
Tám giờ, tân quân mặc áo rộng màu lục, đội khăn đóng đen, ra điện Cần Chánh, đến tại chiếc bàn màu vàng xem xét các bảo vật trước sự hiện diện của các vị Thượng thư. Xong lui về thay lễ phục và các quan cũng rút lui để chuẩn bị cho buổi thường triều sắp diễn ra. Các bảo vật vẫn được trưng bày tại chỗ, dưới sự canh phòng cẩn mật.
Bấy giờ, trước sân điện Cần Chánh, trên những chiếc chiếu đã trải sẵn, các quan mặc áo rộng xanh, sắp hàng ngay ngắn chờ làm lễ. Ở giữa là lối đi, quan văn bên trái, quan võ bên phải (văn tả, võ hữu) , theo thứ tự cấp lớn đứng trước, cấp nhỏ đứng sau, theo phẩm sơn làm chuẩn, quay mặt vào bên trong điện. Tân quân lần này xuất hiện trong áo rộng màu vàng, và đội khăn đóng vàng.
Ông đứng ở gian thứ nhất bên trái (tả-nhất) , của điện Cần Chánh, quay mặt về hướng tây, nơi gian giữa có đặt cái bàn màu vàng với bốn bảo vật truyền quốc trên đó. Tân quân tiến đến trước bàn, bắt đầu lạy năm lạy. Cùng lúc đó, ở ngòai sân các quan cũng hướng vào trong điện lạy năm lạy
Xong năm lạy, tân quân quì xuống, trong khi bên ngoài các quan đứng nghiêm tại vị trí. Hai vị đại thần, một văn một võ, đã được triều đình đề cử, bước đến bên cái bàn màu vàng, chia nhau nâng ngọc tỷ, hoàng bào, và hốt ngọc, quì dâng lần lượt lên cho tân quân. Tân quân đưa hai tay tiếp nhận, nâng lên ngang trán, xá một cái, xong đưa lại cho các quan để trả về chỗ cũ.
Bấy giờ, một vị quan của Nội Các tiến đến bên bàn, mở trắp sơn son thếp vàng , lấy Kim sách ra, đem đến quì dâng trước tân quân. Ông lần giở Kim sách, tới trang kê 20 chữ viết với bộ nhật 日, theo thứ tự, tìm đến chữ thứ chín, đó là tên mới của vua. Ông nhẩm đọc và ghi nhớ, xong đứng dậy lui về vị trí ban đầu (gian tả-nhất) Trang sách vẫn được mở ra và để trên bàn. Các vị đại thần tiến đến trước bàn, quì xuống, kính cẩn nhìn vào trang Kim sách đang mở ra để cùng xác nhận tên mới của vua là đúng như đã ghi, xong họ lui ra, trở về vị trí cũ. Viên quan Nội Các lo chép lại tên mới của vua trong một cánh thiệp màu đỏ để dùng về sau. Xong, Kim sách được cho vào trắp và khóa lại. Bấy giờ, tân quân tiến đến trước bàn, vái ba vái. Đó là lễ tạ, dấu hiệu buổi lễ chấm dứt. Ở ngòai sân các quan cũng vái ba vái. Tân quân lui về nghỉ ở điện Quang Minh, các quan cũng giải tán. Các bảo vật được cho vào tủ khóa lại và một hội đồng gồm các đại thần ký giấy niêm phong.
Ngày hôm đó, nhân danh tân quân, Triều đình ra tờ chiếu như sau:
“Ngày 16 tháng 4 năm Duy Tân thứ 10 [17/5/1916]
Đức Thánh Tổ Nhơn Hòang Đế [Minh Mạng], vào năm thứ 4, đã có sáng kiến làm một bài thơ 20 chữ, lựa trong số những chữ có bộ nhật “. Các chữ này được chạm vào những trang Kim sách để cho đời sau nhận lãnh. Trong lời tựa của Kim sách, Đức Minh Mạng đã dạy rằng khi một vị Hoàng đế lên nối ngôi sẽ chọn một trong các chữ đó làm tên chính thức. Bộ nhật 日 là biểu tượng của đế vương. Cái tên của tân quân khi mới sinh sẽ chỉ còn dùng như tục danh. Di huấn này đã luôn luôn được cẩn trọng tuân thủ.
Sau khi ở ngôi sáu năm, Hoàng đế Duy Tân đã tự ý thoái vị. Các thành viên của Hội đồng Tôn Nhơn và các đại thần của triều đình, với sự đồng ý của quan Toàn quyền Đông Dương, sau khi tham khảo Chính phủ Cộng hòa Pháp quốc, đã đề nghị ta lên ngôi. Chọn ngày giờ tốt, ta đã ra lệnh cho các đại thần cung kính mở Kim sách. Chiếu theo nội dung thì chữ thứ chín , bên trái là bộ Nhật日 bên phải là chữ Thụ 受, là tên chính thức của ta . Về cái tên ta mang từ thời thơ ấu là Bửu Đảo 寶壔 , nay chỉ còn dùng như tục danh. Ta đã ra lệnh làm lễ kính cáo việc này tại đàn Nam Giao , đàn Xã Tắc, và tôn miếu của Liệt Thánh để bảo lưu cái tư tưởng vinh quang của Đức Hòang đế Minh Mạng trong di phẩm của Ngài. Ta ra lệnh thông báo những qui định ta vừa mới tiếp nhận này đến toàn thể quan lại và dân chúng Kinh đô cùng các tỉnh ( được rõ).”
Cái tên mới của tân quân theo Kim sách là Tuấn 暖, Theo phép tắc, tên này được gọi là ngự danh, thuộc lọai trọng húy, vì vậy không bao giờ viết hẳn ra chữ mà phải dùng lối miêu tả theo kiểu chiết tự, như thấy rõ trong tờ chiếu vừa nói.
Ngay hôm Phụng Hóa Công nhập cung (16/5/1916), các quan Nội Các đã lo tìm những chữ có ý nghĩa tốt, liệt kê ra và dâng lên để tân quân lựa chọn làm niên hiệu của triều đại mới. Một bản sao cũng được gởi đến Hội đồng Thượng thư để các vị ấy xem xét. Ngay hôm đó Nội Các báo cho Hội đồng Thượng thư biết rằng trong danh sách dâng lên, hai chữ Khải Trung đã được chiếu cố, nhưng tân quân dùng bút son khoanh tròn chữ Khải 啟, gạch bỏ chữ Trung, và thay vào đó bằng chữ Định 定. Như vậy, ý của tân quân là muốn chọn hai chữ Khải Định 啟 定, -- có nghĩa là khởi đầu một thời thanh bình và ổn định -- để làm niên hiệu.
Ngày 18/5/1916 ( 17 tháng 4 bính thân) triều đình thiết đại triều nghi tại điện Thái Hòa để chính thức làm lễ đăng quang. Mọi việc đều do Bộ lễ chủ trì sắp xếp với sự tham gia của các Bộ liên hệ. Tại gian giữa của điện Thái Hòa người ta đặt hai cái bàn màu vàng, và kế đó, ở gian tả-nhất, đặt hai cái bàn màu đỏ. Các quan Bộ Lễ mang trắp sơn son thếp vàng đựng Kim sách và một cái trắp khác đựng hạ biểu để trên cái bàn vàng thứ hai. Hai cái bàn đỏ do Nội Các phụ trách. Trên bàn thứ nhất, Nội Các mang để một cái trắp đựng cái ấn bằng ngọc, trên có khắc bốn chữ Hòang Đế Ngọc Tỉ 皇帝玊璽 , và một cái kim phụng đồng đựng ân chiếu và trên chiếc bàn đỏ thứ hai là một hộp son dùng để đóng ấn.
Bên ngòai, từ sân Đại triều nghi ra cho đến bên trong Ngọ Môn, Bộ Lễ đã cho dàn bày nghi trượng đúng nghi thức qui định, nào quân hầu, tàn, lọng, lỗ bộ, đại nhạc v.v. Chỉ có các ông Hoàng và 5 viên quan có phận sự đặc biệt được đứng trong điện Thái Hòa, mà thôi. Trong năm người đó, một người đọc Kim sách, là Hữu Tôn Khanh Ưng Huy, và một người đọc hạ biểu là Tham Tri Lưu Đức Xưng, đang giữ chức Toản tu ở Quốc Sử Quán; còn ba người kia là quan Nội Các túc trực phụ giúp khi hành lễ. Tất cả đều đứng ở căn tận cùng phía đông, tựa lưng vào bức đố. Tất cả các quan văn,võ còn lại đều theo thứ bậc mà sắp hàng trên sân, quan văn bên trái, quan võ bên phải. Các Tôn tước sắp hàng chung với quan võ.
Khi mọi việc sắp xếp đâu vào đấy, hai viên quan, một thuộc Bộ Lễ, một thuộc bên võ, lần lượt xướng to lên:
- Tấu: Trung nghiêm 奏中嚴! (Tâu: bên trong đã nghiêm)
- Tấu: Ngọai chỉnh 奏外整! (Tâu: bên ngoài đã chỉnh tề)
Bấy giờ người ta mới mời vua ra. Từ chỗ ở là điện Quang Minh, vua đi qua điện Cần Chánh. Cửa điện chưa mở, hai người lính hầu gõ cặp sanh và hô to:
- Giá hạ 駕下! (Vua đến)
Lập tức cửa mở ra, vua bước vào điện, đi đến ngồi trên chiếc sập sơn son thếp vàng kê ở căn giữa. Một viên Vệ úy theo cửa bên phải của Đại Cung Môn đi ra, hai tay cầm trường kiếm đưa lên trước mặt và hô to
- Hộ vệ bài loan giá 護衛俳鑾駕! (Quân hộ vệ, hãy sẵn sàng xe vua đi)
Liền có tiếng “Dạ” đáp lại rập ràng vang lên.
Viên quan truyền lệnh xong bèn trở vào, thu gươm lại, quì trước sân hô to:
-Tấu: Thỉnh thăng liễn 奏請陞輦! (Tâu: xin mời vua lên liễn)
Vua bước xuống thềm điện và lên ngồi trên liễn. Sau khi vua đã an tọa, viên Vệ úy lại hô “Dịu” (nâng lên một cách nhẹ nhàng). Mười sáu người lính lập tức cúi mình xuống từ tốn nâng các tay đòn lên và gánh chiếc liễn đi. Viên vệ úy dẫn đầu đòan rước, tiểu nhạc được tấu lên suốt lộ trình. Lúc bấy giờ chuông và trống trên lầu Ngọ Môn cũng được đánh lên, báo hiệu vua đang thăng điện.
Khi xa giá đến thềm phía bắc (tức mặt sau) của điện Thái Hòa thì dừng lại, chiêng trống trên lầu Ngọ Môn cũng vừa ngưng. Mọi việc được tính toán kỹ, diễn ra rất là ăn khớp, nhịp nhàng. Vua xuống liễn, đi vào điện và bước lên ngồi trên ngai.
Lúc đó là tám giờ, vừa lúc, Khâm sứ Trung Kỳ, Charles, dẫn đoàn tùy tùng, gồm những quan chức cao cấp người Pháp đang làm việc tại Huế, xuống xe trước cửa Ngọ Môn. Đại diện triều đình là Thượng thư Bộ Binh Nguyễn Hữu Bài và Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung đón phái đoàn tại đầu cầu Kim Thủy (bên ngòai Ngọ Môn) và hướng dẫn vào điện Thái Hòa. Khâm sứ Charles chào vua; vua đứng trên bệ hơi nghiêng mình đáp lễ.
Đại diện Chính phủ Pháp, Khâm sứ Charles đọc diễn văn, chào mừng vua mới, không quên kể công nước Pháp, và bày tỏ hy vọng một sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước … Sau khi vua đáp từ, phái đòan Pháp đứng lui phía sau, phía tay trái của vua.
Buổi lễ đăng quang theo nghi thức triều đình bắt đầu.
Viên quan Bộ lễ phụ trách điều khiển chương trình bắt đầu xướng:
1 Bài ban 俳班 (chỉnh đốn hàng ngủ ngay thẳng)
2 Ban tề 班齊 (quay mặt về phía ngai vàng)
3 Cúc cung bái 鞠躬拜 (lạy năm lạy)
4 Hưng 興 (đứng lên)
5 Bình thân 平身(đứng thẳng người)
6 Hành tấn quang lễ 行晉光禮 (làm lễ đăng quang)
7 Bách quan giai quị 百官皆跪 ( Tất cả các quan đều quì xuống)
Bấy giờ, một viên quan Nội Các bước đến, mang trắp đựng Kim sách để qua bên bàn vàng thứ nhất, xong lui ra một bên, chờ. Khi đó, Hữu Tôn Khanh Ưng Huy, người được triều đình cử ra đọc Kim sách cũng bước ra, hướng mặt về phía ngai vàng và quì xuống, tiếp nhận Kim sách viết trên giấy vàng do một quan Nội Các trao lại, mở ra sẵn sàng. Sau tiếng xướng Tuyên sách 宣冊 (đọc sách) của viên quan Bộ Lễ, quan Hữu Tôn Khanh bắt đầu đọc:
Ngày 17 tháng 4 măm Bính Thìn, năm Duy Tân thứ 10 [18/5/1916].
Chúng tôi, các Hòang tử và Quận công của Hoàng tộc, các thành viên của Hội đồng Tôn Nhơn, các thành viên của Hội đồng Nhiếp chính, cùng toàn thể quan lại lớn nhỏ trong triều và các tỉnh, cung kính cúi đầu xin hân hạnh bày tỏ như sau . . .
Nội dung của Kim sách ghi nhận rằng sau biến cố bất ngờ (ám chỉ vụ vua Duy Tân), ngai vàng bỏ trống; đất nước không thể không người làm chủ. Nhận thấy Phụng Hóa Công là người thông minh đức độ, nên toàn thể triều đình và dân chúng đã thỉnh cầu Phụng Hóa Công lên ngôi trị vì để đem lại hạnh phúc cho toàn dân và thái bình cho đất nước.
Tuyên xong, Kim sách được trao lại cho quan Nội Các đem trả lại trong trắp, xong cả hai lui về vị trí cũ, đứng sát vào bức đố. Viên chấp sự lại xướng:
7 Phủ phục 俯伏 ( cúi mình xuống)
8 Hưng 興 ( đứng lên)
9 Bình thân 平身(đứng thẳng người}
10 Cúc cung bái 掬躬拜 ( lạy năm lạy)
11 Hành khánh hạ lễ 行慶賀禮 (làm lễ mừng)
12 Bách quan giai quị 百官皆跪 ( tất cả các quan quì xuống)
Đến đây, một quan Nội Các khác bước đến căn tả-nhất, nơi có hai cái bàn đỏ, mang cái trắp đựng tờ hạ biểu đem để trên cái bàn vàng thứ nhất (đã có Kim sách trên đó), xong bước lui vài bước. Tham Tri Lại Đức Xứng -- ỉgười được triều đình cử ra đọc hạ biểu – tiến ra giữa điện, hướng về ngai vàng, quì xuống, tiếp nhận tờ hạ biểu viết trên giấy đỏ từ quan Nội Các, mở ra và chờ có tiếng xướng Độc hạ biểu 讀賀表\plain (đọc hạ biểu) rồi mới bắt đầu đọc. Hạ biểu là một hình thức diễn văn chúc mừng của triều đình và thần dân đối với nhà vua nhân lễ đăng quang. Sau khi hạ biểu được đọc xong, các quan phụ trách lui về vị trí cũ.
Ngòai sân, một viên quan thuộc Bộ Lại bước ra khỏi hàng, quì trên lối đi ở giữa –gọi là dũng đạo -- hướng vào điện hô lớn:
13 Thỉnh dụng ngọc tỉ 請用玉璽 (kính mời dùng ấn ngọc)
Ở trong điện, nghe tiếng xướng đó, hai viên quan Nội Các trực sẵn, bước đến cái bàn có ngọc tỉ, mở trắp lấy ngọc tỉ in vào hộp son rồi đóng vào ân chiếu . Ân chiếu này là một tuyên cáo về việc lên ngôi của vua, và công bố niên hiệu mới -- Khải Định -- cho thần dân được rõ. Cùng lúc với việc đóng ngọc tỉ vào ân chiếu, chín phát ống lệnh nổ vang trước Kỳ đài, báo hiệu một triều đại mới bắt đầu.
Sau lễ đóng ngọc tỷ, một vị quan thuộc Bộ lễ bước ra khỏi hàng, quì giữa sân, hô lớn:
14 Tấu: khánh hạ lễ thành 奏慶賀禮成 (Tâu: lễ mừng đã xong)
Vua bước xuống ngai, ra khỏi điện Thái Hòa, trở về điện Cần Chánh. Theo chân nhà vua có Khâm sứ Trung kỳ, các quan chức Pháp, các ông Hoàng và các vị đại thần. Nhà vua đã cho dọn dẵn một bữa tiệc mừng tại điện Cần Chánh để thết đãi các quan khách cao cấp nhân ngày lễ đăng quang.
Trong khi tại điện Cần Chánh yến tiệc diễn ra thì tại điện Thái Hòa các quan có phận sự đang lo hoàn tất nhiệm vụ còn dang dở. Ngay khi vua vừa xây lưng rời khỏi điện Thái Hòa thì một quan của Nội Các đã bưng cái trắp đựng Kim sách và cái trắp đựng hạ biểu giao ngay cho các Thị vệ để mang về điện vua ở.
Hai quan Nội Các khác mang trắp đựng ngọc tỉ vào điện Cần Chánh, để trên một cái bàn đặt tại căn tả-nhất. Các quan Bộ Lại sẽ mang các bản phó ân chiếu đến đóng ngọc tỉ rồi mới gởi đi các tỉnh (mỗi tỉnh một bản) để bố cáo cho tòan dân biết một triều đại mới bắt đầu.
Một quan Nội Các tiến ra căn giữa điện Thái Hòa, đứng chếch về bên trái một chút, mặt hướng về phía Bắc --nơi có ngai vàng -- quì xuống và nói to:
- Tấu: thỉnh lãnh chỉ 奏請領旨 (Tâu: xin nhận chỉ ). Nói xong, ông ta đứng dậy, xoay người ra phía ngoài sân sân điện Thái Hòa, hô lớn :
15 Hữu ti dĩ chiếu thơ ban thị trung ngọai 有司以詔書頒示中外 (các quan có phận sự hãy mang chiếu thơ ban bố khắp trong ngòai ) Truyền lệnh xong, ông ta xoay người lại, đi về phía trái của điện Thái Hòa, đứng gần sát bức đố.
Một quan Bộ Lại và một quan Bộ Hộ bước ra khỏi hàng, đến bên cái bàn màu đỏ mang kim phụng đồng --có ân chiếu trong đó-- đem để trên long đình sắp sẵn ngoài thềm điện, có lính tráng cầm lọng và vũ khí theo hầu, rước kim phụng đồng ra Phu Văn Lâu, có ban nhạc đi theo tấu mừng. Tại đây, ân chiếu sẽ được niêm yết trong ba ngày, có lính canh gác ngày đêm, để cho toàn thể dân chúng được rõ, sau đó cũng chính hai viên quan cùng quân lính và ban nhạc vừa nói, lại rước ân chiếu đem về giao cho Nội Các, theo đúng nghi thức như khi rước đi.
Các quan chức thuộc Bộ Lại và Bộ Lễ được phân nhiệm sẽ phối hợp với nhau chuyển bản sao ân chiếu đến các tỉnh. Khi ân chiếu đến nơi, quan đầu tỉnh phải tổ chức lễ đón mừng ân chiếu một cách long trọng tại hành cung và việc này phải được báo cáo ngay về Bộ một cách đầy đủ.
tư thế ban tề, sẵn sàng làm lễ. Sân đã được trải chiếu sẵn.
Các quan cấp nhỏ (thuộc quan) sắp hàng trên sân Đại triều nghi chuẩn bị làm lễ. Các bia đá nhỏ là phẩm sơn.
Ban đại nhạc trên sân Đại Triều nghi đang trình tấu
Trong Đại Triều nghi, nghi trượng phải được dàn bày đầy đủ với voi, ngựa, tàn, lọng, cờ, lỗ bộ, đại nhạc. Trong hình, kỵ binh đang tập trung bên trong Ngọ Môn để dàn hầu.
Hai voi này dùng dàn hầu trong Đại Triều nghi
Lính phụ trách tàn, lọng và lỗ bộ đang tập trung bên trong Ngọ Môn để dàn hầu.
Ban tiểu nhạc đang chờ ở cửa Nhật Tinh để theo hầu xa giá ra điện Thái Hòa. Đại Cung môn ở giữa hai cửa Nhật Tinh và Nguyệt Anh. Phía sau là bức tường của Tử Cấm thành.
B.A.V.H., No3, 1942
Bên phải là trang chính của Thánh Chế Ngự Danh Kim Sách, có tựa đề là Nhựt Tự Bộ Nhị Thập, kê 20 tên vua viết với bộ nhựt, trong đó, ngự danh của vua Khải Định là chữ thứ chín, có gạch dưới (VHA).
B.A.V.H., No3, 1942 Trắp đựng Kim sách về việc lên ngôi của vua Gia Long. Mỗi vua Nhà Nguyễn đều có một Kim sách như thế.
Từ Điện Cần Chánh ra điện Thái Hòa, vua di chuyển bằng liễn do lính gánh. Phía trước, viên Vệ úy đang điều khiển việc gánh liễn.
Liễn vua đã đến hiên sau của điện Thái Hòa. Vua xuống liễn để đi vào điện
Ngai vàng đặt trong gian giữa của điện Thái Hòa
Phái đòan Pháp (Khâm sứ Trung kỳ, có khi có cả Tòan quyền Đông Dương) ra về sau khi dự lễ tại điện Thái Hòa. Chỉ vào những dịp long trọng họ mới dự.
Tòa Khâm sứ Huế (thường gọi tắt là Tòa Khâm), hồi đầu thế kỷ 20, chưa tân trang. Đây là cơ quan quyền lực cao nhất của chính quyền Bảo hộ tại miền Trung, cạnh triều đình Huế. Mọi quyết định quan trọng tại Trung kỳ đều phát xuất từ nơi này, kể cả ngai vàng.
Kim phụng đồng (Hình vẽ của họa sĩ Tôn Thất Sa, trong BAVH., No 4, 1922)
Phu Văn Lâu, hồi đầu thế kỷ 20,
(Tranh màu nước của Gras,BAVH, No4, 1915)
Liễn vua đã đến hiên sau của điện Thái Hòa. Vua xuống liễn để đi vào điện
Ngai vàng đặt trong gian giữa của điện Thái Hòa
Phái đòan Pháp (Khâm sứ Trung kỳ, có khi có cả Tòan quyền Đông Dương) ra về sau khi dự lễ tại điện Thái Hòa. Chỉ vào những dịp long trọng họ mới dự.
Tòa Khâm sứ Huế (thường gọi tắt là Tòa Khâm), hồi đầu thế kỷ 20, chưa tân trang. Đây là cơ quan quyền lực cao nhất của chính quyền Bảo hộ tại miền Trung, cạnh triều đình Huế. Mọi quyết định quan trọng tại Trung kỳ đều phát xuất từ nơi này, kể cả ngai vàng.
Kim phụng đồng (Hình vẽ của họa sĩ Tôn Thất Sa, trong BAVH., No 4, 1922)
Phu Văn Lâu, hồi đầu thế kỷ 20,
(Tranh màu nước của Gras,BAVH, No4, 1915)
Phu Văn Lâu ngày nay. (Ảnh T.T.Tuấn)Phu Văn Lâu được kiến tạo từ đời Gia Long (1819) nhưng chính vua Minh Mạng là người chỉ định vai trò của nó, dùng làm nơi niêm yết những chiếu, chỉ, mệnh lệnh của nhà vua và kết quả các kỳ thi Đình (Tiến sĩ). Xưa, trước Phu Văn Lâu hai bên trái phải có bia đề “khuynh cái hạ mã” buộc mọi người đi ngang qua phải nghiêng nón và xuống ngựa để tỏ ý kính trọng.
vietsciences
0 nhận xét